Vào thời kì cuối của đế quốc Rôma, chế độ chiếm hữu nô lệ bước vào giai đoạn khủng
hoảng trầm trọng, kinh tế suy sụp, nền văn hóa huy hoàng một thời cũng dần lụi tàn. Bên cạnh
đó, những cuộc viễn chinh của các tộc Giecmanh đã tàn phá nặng nề những di sản của nền văn
minh cổ đại.
Bước vào đầu thời kì trung đại, các quốc gia phong kiến dần hình thành, cùng với nó là sự
ra đời của các thành thị trung đại và nền kinh tế hàng hóa phong kiến. Tuy nhiên, cũng chính
thành thị và nền kinh tế hàng hóa đã ngầm phá hoại dần chế độ phong kiến.
Một đặc điểm đáng lưu ý của thời kì này là đạo Kitô đã trở thành tôn giáo phục vụ đắc lực
cho cho chế độ phong kiến. Chính sự yếu kém của nền kinh tế và suy tàn về văn hóa là nền tảng
để truyền bá những học thuyết cuồng tín, ma quỷ… được giáo sĩ, nhà thờ tận dụng triệt để để bảo
vệ tối đa quyền lợi cho giai cấp thống trị. Tòa thánh Rôma lúc này rất có thế lực về chính trị,
cùng với giai cấp phong kiến Tây Âu, trong gần 200 năm đã tiến hành 8 cuộc viễn chinh sang
phương Đông, được gọi là “Những cuộc viễn chinh của quân Thập tự”. Đây được xem như một
cuộc chiến tranh xâm lược và bành trướng cả về kinh tế lẫn văn hóa. Cuộc viễn chinh để lại
nhiều hệ quả tốt xấu khác nhau nhưng nhìn chung cũng đã mang lại những hệ quả tích cực góp
phần thúc đẩy kinh tế - văn hóa Tây Âu phát triển một bước.