Trong những sáng tác của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đọc có thể thấy được sự hài hòa giữa chất cổ điển và chất hiện đại trong thơ của Bác. Thật vậy, 2 yếu tố hòa quyện hài hòa với nhau, làm nên phong cách sáng tác đặc trưng của tác giả Hồ Chí Minh. Đầu tiên, chất cổ điển trong bài thơ được thể hiện ở tình yêu thiên nhiên và tâm hồn hòa quyện say đắm với thiên nhiên của Bác. Câu thơ "Trong tù không rượu cũng không hoa" cho thấy được hoàn cảnh trong tù vô cùng khó khăn và thiếu thốn của Bác. Tuy nhiên, với tình yêu thiên nhiên của Bác, Người chẳng cần rượu và hoa để thưởng thức cảnh trăng đẹp như những thi nhân xưa. "Cảnh đẹp đêm nay khó hững hờ" cho thấy tình yêu thiên nhiên sâu đậm của Người, đó chính là tâm hồn hướng về thiên nhiên, hưởng thụ vẻ đẹp của thiên nhiên mang lại. Chất cổ điển trong bài thơ cũng được thể hiện ở hình ảnh vầng trăng. Hình ảnh trăng xuất hiện trong thơ Bác đậm chất cổ điển, trữ tình và mang ý nghĩa như một người bạn tri âm tri kỷ. Trong các bài thơ khác của Bác, hình ảnh trăng cũng xuất hiện rất nhiều và mang đến những ý nghĩa khác nhau. Nhưng trong bài thơ Ngắm trăng, chất cổ điển được thể hiện bằng việc Bác say mê, hưởng thụ vẻ đẹp của trăng, chủ động tìm đến trăng để giao hòa tâm hồn, quên đi sự gian khó của nhà tù "Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ". Và đáp lại Bác, vầng trăng cũng "nhòm khe cửa ngắm nhà thơ". Thứ hai, chất hiện đại của bài thơ được thể hiện ở tinh thần thép và cuộc vượt ngục tinh thần của Bác. Dường như, tâm hồn của Bác đã hoàn toàn hòa quyện với trăng. Nhà tù chỉ giam giữ thân thể của Bác chứ chẳng thể nào giam giữ được tâm hồn của Bác. Tinh thần của Bác là tinh thần của người chiến sỹ cách mạng, tràn đầy ung dung, lạc quan và mạnh mẽ trong hoàn cảnh khó khăn. Tóm lại, chất hiện đại và chất cổ điển hòa quyện trong bài thơ Ngắm trăng, thể hiện những phẩm chất tốt đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh.