Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/Thành công, thành công, đại thành công”. Câu nói mộc mạc và súc tích ấy của Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự tổng kết và khái quát ở tầm cao của trí tuệ, nêu lên một quy luật và khẳng định truyền thống văn hóa hàng ngàn năm lịch sử trường tồn của dân tộc Việt Nam. Nhờ có đoàn kết đồng lòng mà 54 tộc người cùng chung sống trên mảnh đất không rộng lắm, người không đông lắm, trình độ phát triển về kinh tế còn khó khăn, nhưng đã vượt qua bao gian lao, thử thách, chống chọi được với thiên tai, địch họa, bảo vệ giang sơn, bờ cõi, thống nhất non sông, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, và đang chung sức, chung lòng xây dựng đất nước ta ngày một đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.
Dân tộc nào cũng có truyền thống đoàn kết để sinh tồn và phát triển, song truyền thống đoàn kết của dân tộc ta có những nét đặc thù. Đó là cuộc sống xen kẽ giao hòa của dân cư một đất nước đa tộc người, đa tôn giáo, luôn phải biết chia sẻ giá trị, tôn trọng lẫn nhau những khác biệt. Đó là những cuộc vật lộn liên miên để chống chọi với thiên tai vô cùng khắc nghiệt và chiến đấu oanh liệt chống đủ loại chiến tranh xâm lược hòng thôn tính lãnh thổ và nô dịch dân tộc ta. Đó còn là quá trình tự ý thức về giá trị văn hóa thuộc về bản sắc dân tộc Việt Nam, một dân tộc ngay từ khi hình thành đã mang tính cố kết cộng đồng cao.
Nghiên cứu chiều sâu của đoàn kết dân tộc mới thấy rõ ý nghĩa trọng đại, có tầm lý luận cao và ý nghĩa thực tiễn mà Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) của Đảng đã tổng kết thành bài học thứ ba trong năm bài học lớn của cách mạng nước ta và của cả quá trình phát triển của lịch sử dân tộc, đó là: Không ngừng củng cố, tăng cường đoàn kết toàn Đảng, đoàn kết toàn dân, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế. Cương lĩnh của Đảng đã chỉ rõ các cấp độ đoàn kết có quan hệ biện chứng với nhau, kết hợp với nhau một cách hữu cơ, tạo thành một tổng hợp lực để sản sinh ra sức mạnh vô địch không thế lực nào phá vỡ nổi. Nhờ sức mạnh đó mà sự nghiệp chính nghĩa ắt giành được thành công từ nhỏ đến lớn, đi tới thắng lợi cuối cùng, cho dù phải trải qua sóng gió, thử thách, thậm chí vấp phải khó khăn, thất bại tạm thời. Bài học lịch sử đó bác bỏ một cách đanh thép mọi luận điệu của các thế lực thù địch hòng xuyên tạc, bôi nhọ đường lối đại đoàn kết toàn dân tộc; khẳng định chắc chắn rằng, đoàn kết là một truyền thống rất quý báu và vững chắc, một giá trị văn hóa và tinh thần vô cùng quý báu, là đường lối chiến lược mang tính lâu dài, là quy luật sinh tồn và phát triển của toàn dân tộc.
Sự tổng kết trong Cương lĩnh hoàn toàn xuất phát từ thực tiễn lịch sử cách mạng nước ta, chứ không phải mang tính chủ quan duy ý chí. Để đi đến thắng lợi to lớn ngày nay, cuộc đấu tranh của nhân dân ta đã phải trải qua những khó khăn, thử thách, nhiều lúc vận mệnh dân tộc như “ngàn cân treo trên sợi tóc”, những khúc quanh với những ấu trĩ, sai lầm, khuyết điểm. Có những nơi, những lúc, những người vì lợi ích cá nhân hẹp hòi đã tạo ra những hố ngăn cách không đáng có trong cộng đồng dân tộc. Bước vào kinh tế thị trường, những hậu quả do mặt trái của nó mang lại, mà nổi lên là sự phân hóa giàu nghèo, là chủ nghĩa thực dụng về vật chất, đã gây nên những thách thức phức tạp làm tổn hại khối đại đoàn kết toàn dân tộc mà việc khắc phục và vượt qua những thách thức này không phải nhanh chóng, dễ dàng.
Hơn ai hết, dân tộc ta hiểu rõ giá trị của sự đoàn kết và quyết tâm làm tất cả những gì có thể làm được để củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng chống lại mọi âm mưu, thủ đoạn phá hoại hoặc làm xói mòn, làm suy yếu khối đại đoàn kết này, vì lịch sử đã cho chúng ta bài học quý giá: “Đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết”. Ngày nay, một môi trường quốc nội đoàn kết và ổn định là tiền đề cần thiết thu hút đầu tư nước ngoài, tạo thế đứng cho đất nước trong công cuộc hội nhập quốc tế, con đường tất yếu để nước ta tồn tại và phát triển trong xu thế toàn cầu hóa ngày nay. Mọi thế lực thù địch muốn phá hoại sự nghiệp chính nghĩa của dân tộc ta luôn luôn nhằm vào tiêu điểm là phủ nhận, xuyên tạc, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc của nhân dân ta, vì đây chính là cội nguồn, là bảo đảm cơ bản nhất cho thắng lợi của cách mạng nước ta, là một động lực chủ yếu cho sự phát triển của đất nước hôm nay và mai sau. Hơn bao giờ hết, bất cứ lúc nào, hễ nội bộ chia rẽ thì đất nước suy vong, kẻ thù nhòm ngó, xã hội rối ren và tụt hậu. Tụt hậu về mọi mặt, trước hết là về kinh tế, có nghĩa là tự đánh mất những thành quả cách mạng của nhân dân ta, dẫn đến mất độc lập, tự do, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ. Vì lẽ đó, đấu tranh để bảo vệ vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tức là đấu tranh làm thất bại về căn bản âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch phá hoại công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ta, là vấn đề tồn vong của dân tộc, của chế độ. Đó là lương tâm, trách nhiệm của mỗi người Việt Nam yêu nước, mỗi người cách mạng chân chính.
Truyền thống đoàn kết của dân tộc ta từ lịch sử được nâng lên tầm cao mới trong thời đại Hồ Chí Minh, kết tinh thành tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết toàn dân tộc. Thực tiễn cách mạng nước ta ngót một thế kỷ qua đã chứng minh một cách đanh thép sức sống mãnh liệt và sức mạnh vĩ đại của tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết toàn dân tộc, nhất là Đảng ta đã quán triệt sâu sắc tư tưởng đó như sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong đường lối cách mạng của Đảng qua mọi thời kỳ, từ khi thành lập Đảng cho đến ngày nay.
Trải qua gần 35 năm đổi mới đất nước, các nghị quyết của Đảng đã không ngừng đi vào cuộc sống và khẳng định những nội dung đúng đắn của đường lối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đó là tăng cường đại đoàn kết toàn dân tộc trên cơ sở khơi dậy và phát huy sức mạnh dân tộc đến mức cao nhất, đặt lợi ích chung của dân tộc, của nhân dân lên trên hết, coi đó là điểm xuất phát để xây dựng các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhằm chiến thắng nghèo nàn, lạc hậu; tăng cường, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, tranh thủ mọi nguồn lực bên ngoài để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
chúc bạn học tốt :3