“Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ
Cô vân mạn mạn độ thiên không
(Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ
Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không)”
Bức tranh ấy gói gọn trong khoảng thời gian trời bắt đầu vào chiều. Những tia nắng đã bắt đầu dịu dần, mặt trời không còn rực rỡ. Cả không gian rộng lớn mênh mông, rộng lớn của núi rừng hiện ra. Phân tích bài thơ chiều tối, ta thấy tầm nhìn của nhân vật trữ tình từ dưới lên cao. Trong tầm nhìn ấy xuất hiện hai cảnh vật quyện điểu và cô vân.
Hình ảnh “quyện điểu” gợi cho ta liên tưởng về một cánh chim tìm về tổ ấm trong trạng thái mỏi mệt. Đây cũng là hình ảnh đặc trưng của buổi chiều tà. Qua cánh chim ấy, tác giả muốn nói bao điều. Cánh chim mỏi mệt như chứa đầy tâm trạng. Cánh chim nhỏ bé giữa bầu trời rộng lớn bao la, gợi không gian núi rừng rộng lớn. Cánh chim mỏi ấy còn đồng thời là hình ảnh quen thuộc thường thấy trong thơ ca. Như trong những dòng thơ đầy tâm trạng của Bà huyện Thanh Quan, hay trong câu thơ của Nguyễn Du
“Chim hôm thoi thóp về rừng”
(Truyện Kiều – Nguyễn Du)
“Chim mỏi” thể hiện sự cảm nhận sâu sắc của Bác đối với sự vật, không phải chim bay mà là chim mỏi. Sự hòa hợp giữa thiên nhiên và tâm trạng của con người. Khi phân tích bài thơ Chiều tối, người đọc thấy cánh chim trong buổi chiều mỏi mệt tìm về nơi bình yên nhất của nó – chính là rừng. “Quy lâm” (về rừng) thể hiện mong muốn được nghỉ ngơi sau một ngày dài mệt mỏi. Ai cũng cần và cũng có một nơi bình yên để tìm về.
Đặt hình ảnh này trong cảm hứng sáng tác của nhà thơ ta càng hiểu hơn về tâm trạng của thi nhân. Đó là khao khát được đoàn tụ trong cảnh tù đày nơi đất khách quê người. Cánh chim sau một ngày kiếm ăn vất tương đồng với người tù cách mạng sau một ngày chuyển lao.
Cánh chim mỏi do chở nặng bầu trời, do một ngày dài vất vả hay chính do tâm trạng của thi nhân chất chứa sự mỏi mệt. Nối tiếp cánh chim là hình ảnh đám mây. Nhưng đó không phải là những đám mây trắng bồng bềnh trôi thơ mộng như trong câu
“Trên trời có đám mây xanh,
Ở giữa mây trắng chung quanh mây vàng”
(Ca dao)
Mà đó là hình ảnh của đám mây cô đơn lạc lõng giữa bầu trời. “Cô vân” là hình ảnh đám mây lững lờ trôi giữa tầng không trong tâm trạng cô đơn, tạo cảm giác thời gian ngừng trôi, gợi không gian bầu trời rộng lớn. Sự chuyển động của đám mây không khiến cảnh vật sống động hơn mà mọi thứ lại dường như chìm vào tĩnh tại, cả sự chuyển động của gió của mây cũng thầm lặng hơn trong giây phút này.
Đây chính là sự tinh ý của tác giả khi đã cảm nhận sự vật từ trạng thái, tính chất của nó, hai hình ảnh đều gợi lên không gian và thời gian. Phân tích bài thơ Chiều tối, ta thấy từ láy “mạn mạn” gợi tư thế chậm chạp, uể oải, lững lờ không muốn trôi gợi không gian rộng lớn, vắng vẻ của cảnh vật lúc chiều tối.
Tuy nhiên bản dịch đã bỏ sót hai yếu tố tâm trạng trong dòng thơ “Cô vân mạn mạn độ thiên không”. Dịch giả không dịch từ “cô” (cô đơn, lẻ loi) đã làm mất tính cô độc, lẻ loi của áng mây. Không chỉ làm giảm đi ý nghĩa mà xét về cấu trúc còn làm mất đi tiểu đối với hình ảnh cánh chim moi – “quyện điểu” ở dòng thơ trên.
Dịch giả cũng không dịch từ “mạn mạn” (lững lờ), không thấy được tư thế chậm chạp, ngập ngừng như không muốn trôi của áng mây. Bản dịch làm giảm đi phần nào tinh thần của ý thơ.Trong hai dòng thơ này, tác giả đã sử dụng hình ảnh mang tính cổ điển và hiện đại.
Phân tích bài thơ chiều tối của Hồ Chí Minh, ta thấy Người đã sử dụng bút pháp chấm phá dùng điểm tả diện cũng như bút pháp lấy động tả tĩnh đã phát huy tối đa hiệu quả trong việc khắc họa bức tranh thiên nhiên. Bên cạnh đó việc sử dụng hai hình ảnh mang tính nhân hóa, ẩn dụ “quyện điểu” và “cô vân” còn gợi nhiều liên tưởng. Nếu cánh chim tìm về thì đám mây lại trôi đi. Nếu cánh chim có một đích đến xác định – rừng, thì đám mây lại trôi đến nơi vô định – tầng không.
Sự đối lập tương phản giữa hai dòng thơ đã gợi mở một không gian núi rừng rộng lớn bao la chất chứa biết bao tâm trạng. Trong bức tranh thiên nhiên ấy, tâm trạng con người cũng có những nét tương đồng và khác biệt với cảnh vật. Con người phần nào cũng như cảnh vật.
Cánh chim mỏi mệt sau một ngày kiếm ăn như con người mỏi mệt trong ngày chuyển lao. Còn chòm mây cô đơn lững lờ trên tầng không như con người lẻ loi lê bước trên đường trường. Thế nhưng tuy cánh chim mỏi mệt, chòm mây cô đơn nhưng tự do – người tù đang trong hoàn cảnh cổ đeo gông, chân vướng xiềng.
Nhưng khi phân tích bài thơ Chiều tối, ta thấy con người không đắm chìm vào sự bi quan lạc lõng mà vẫn mang những thanh âm vui tươi yêu đời ở bức tranh sinh hoạt tiếp theo.
Bức tranh đời sống con người khi phân tích bài thơ Chiều tối
Nếu như trong bức tranh thiên nhiên của thơ văn trung đại thường chỉ đặc tả thiên nhiên không khắc họa chân dung con người. Còn trong bài thơ của Hồ Chí Minh, hình ảnh con người xuất hiện. Nhưng đó không phải là con người tận hưởng hay nhìn ngắm thiên nhiên mà chiêm nghiệm cuộc đời, cất tiếng thở dài cho nhân tình thế thái mà đó là con người được đặt trong lao động sản xuất.
“Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc
Bao túc ma hoàn lô dĩ hồng
(Cô em xóm núi xay ngô tối”
Xay hết lò than đã rực hồng)
Từ không gian rộng lớn của núi rừng giờ đây đã thu nhỏ lại không gian của xóm núi. Thời gian đã tối dần. Nhân vật trữ tình bắt đầu chuyển điểm nhìn từ trên trời xuống mặt đất. Tác giả bắt đầu hướng tầm mắt về cuộc sống. Hình ảnh “sơn thôn thiếu nữ” hiện ra mang vẻ đẹp của cuộc sống sinh hoạt đời thường.
Đó là vẻ đẹp của sức trẻ, của người lao động, của con người làm chủ thiên nhiên và vũ trụ. Khi phân tích bài thơ Chiều tối, ta thấy hình ảnh ấy như mang lại hơi ấm của sự sống cho người đi đường. Hình ảnh người phụ nữ hiện lên trong văn học trung đại thường là những phụ nữ thướt tha, nhẹ nhàng và được đặt trong hệ quy chiếu của lễ giáo phong kiến.
Đó là người phụ nữ chốn khuê phòng, người phụ nữ của lầu son gác tía. Nhưng trong hai câu thơ của Hồ Chí Minh, hình ảnh người phụ nữ xuất hiện nhưng lại được đặt trong cuộc sống lao động hằng ngày. Bản dịch thêm vào từ “tối” làm lộ ý thơ vì nguyên tác không nhắc đến từ “tối”. Vì“ý tại ngôn ngoại”, nên tuy bài thơ tên là Mộ – chiều tối, nhưng trong nguyên tác tác giả không trực tiếp thể hiện mà chỉ gợi nhắc thời gian chiều tối qua cảnh vật.
Ngoài ra bản dịch còn dịch từ “hồng” thành tính từ trong khi nó là động từ (đốt lò). Bản dịch làm mất đi đặc trưng “ý tại ngôn ngoại” và giá trị của bài thơ. Hồ Chí Minh lại một lần nữa vận dụng tinh tế bút pháp của văn học trung đại – bút pháp lấy sáng tả tối. Thi nhân đã dùng hình ảnh đốt lò để ngầm thông báo thời gian đã chuyển sang tối.
Điệp vòng “ma bao túc” – “bao túc ma” đã diễn tả tinh tế được vòng quay của chiếc cối xay ngô. Ngoài ra, còn gợi ra nhịp điệu lao động hăng say, nhanh nhẹn. Cả bài thơ cô đọng đúc kết lại trong một nhãn tự “hồng”. Chỉ với một chữ “hồng” mà đã bừng sáng cả không gian núi rừng tăm tối, xua đi cái lạnh lẽo của núi rừng.
Phân tích bài thơ Chiều tối, ta nhận thấy ánh sáng ấy như sưởi ấm tấm lòng người chiến sĩ. Và đó còn là ánh sáng của hy vọng thể hiện niềm tin, sự lạc quan về một tương lai tươi sáng. Trong bức tranh cuộc sống lao động bình dị, sống động ấy, nhân vật trữ tình hiện lên mang một tình thần lạc quan. Ông đã tìm thấy niềm vui nơi cuộc sống lao động của con người.
Bức tranh cuộc sống lao động được cảm nhận bằng tâm trạng phấn chấn của một người hết lòng nâng niu những giá trị hạnh phúc đời thường. Bằng các biện pháp nghệ thuật như lấy sáng tả tối, sử dụng cấu trúc điệp vòng, điểm nhãn, nhà thơ đã vẽ nên bức tranh sống động về cuộc sống đời thường của con người, qua đó đã làm nổi bật vẻ đẹp sáng ngời của Bác.