Nguyễn Trãi là một vị anh hùng dân tộc, một nhà văn hóa kiệt xuất, nhân vật toàn tài số một của lịch sử Việt Nam thời phong kiến.
Nguyễn Trãi tên hiệu ức Trai, sinh năm 1380, quê gốc ở xã Chi Ngại (Nay là xã Cộng Hòa, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương) sau dời đến làng Nhị Khê (Thường Tín, Hà Tây). Cha là Nguyễn Phi Khanh đỗ Thái học sinh. Mẹ là Trần Thị Thái, con quan Tư đồ Trần Nguyên Đán.
Nguyễn Trãi sống trong một thời đại đầy biến động: nhà Trần suy vi, Hồ Quý Ly lập nghiệp chưa được bao lâu thì giặc Minh xâm lược. Cha bị bắt, Nguyễn Trãi muốn làm tròn đạo hiếu nhưng nghe lời cha dặn đã quay về báo thù cho nước, rửa nhục cho cha. Bị giam lỏng ở thành Đông Quan, Nguyễn Trãi bỏ trốn tìm đến cuộc khởi nghĩa Lam Sơn của Lê Lợi dâng Bình Ngô sách. Từ đó, Nguyễn Trãi trở thành quân sư đắc lực của Lê Lợi, đưa cuộc kháng chiến mười năm chống quân Minh giành thắng lợi. Mùa xuân năm 1428, Nguyễn Trãi thay Lê Lợi viết Bình Ngô đại cáo – một áng Thiên cổ hùng văn tuyên cáo độc lập dân tộc.
Chưa kịp thực hiện hoài bão, Nguyễn Trãi bị nghi ngờ rồi bị bắt, bị vô hiệu hóa khiến năm 1439 ông phải xin cáo quan về ẩn dật ở Côn Sơn. Vua Lê Thái Tông lên ngôi lại vời ông ra giúp nưóc. Nguyễn Trãi lại khấp khởi hi vọng những ba năm sau đó, một thảm họa có một không hai trong lịch sử đã xảy ra: Vụ án Lệ Chi Viên (1442) đã khiến Nguyễn Trãi bị tru di tam tộc. Năm 1464, Vua Lê Thánh Tông lên ngôi đã minh oan cho Nguyễn Trãi và tặng ông bảy chữ: “ức trai tâm thượng quang khuê tảo” (Tấm lòng ức Trai sáng tựa sao khuê).
Nguyễn Trãi là người thanh khiết bậc nhất trong những người thanh khiết. Cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Trãi là một bài ca yêu nước, tự hào dân tộc. Nguyễn Trãi là một tài năng lỗi lạc, văn võ song toàn. Ông đã để lại cho đời sau một di sản to lớn về quân, văn hóa, lịch sử, địa lí, ngoại giao… đặc biệt là sự nghiệp văn học.
Quân trung từ mệnh tập của Nguyễn Trãi là quyển sách có giá trị quân sự, chính trị, ngoại giao. Với chiến lược “công tâm” (đánh vào lòng người) những trang văn Nguyễn Trãi quả là “có giá trị hơn mười vạn binh”.