1,
Đối với mỗi người dân VN, tiếng Việt chính là tiếng mẹ đẻ, là thứ tiếng thiêng liêng đi vào đời sống văn hóa-lịch sử và cũng là vũ khí đưa dân tộc thoát ra khỏi xiềng xích nô lệ. Thật vậy, để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt thì giới trẻ càng đóng một vai trò quan trọng hơn bao giờ hết. Đầu tiên, thế hệ trẻ có trách nhiệm trong việc giữ gìn được màu sắc nguyên bản của tiếng Việt trong lời ăn tiếng nói hàng ngày. Từ lời ăn tiếng nói, đến chữ viết, chúng ta nên sử dụng những từ ngữ thuần Việt nếu có thể và càng nhiều càng tốt. Nếu chúng ta quá lạm dụng từ mượn nước ngoài, tiếng Việt sẽ bị phần nào hao mòn đi trong lời ăn tiếng nói của người dân. Thứ hai, để giữ gìn được sự trong sáng của Tiếng Việt, thế hệ trẻ có trách nhiệm lan truyền vẻ đẹp của Tiếng Việt đến càng nhiều người càng tốt. Từ bạn bè trong nước, đến bạn bè quốc tế, chúng ta đều có thể thể hiện với họ tình yêu của chúng ta đối với những tác phẩm văn học, những bài thơ, ca dao, với tất cả những gì thuộc về Tiếng Việt. Chúng ta không phải trở thành một nhà tiếng việt học, hay một nhà thơ, nhà văn để có thể thể hiện tình yêu của mình đối với Tiếng việt. Đơn giản hơn, chỉ qua lời ăn tiếng nói hàng ngày, chúng ta sử dụng tiếng việt một cách chuẩn mực và đúng đắn thì cũng là giữ gìn sự trong sáng của tiếng việt rồi.
2,
Ngạn ngữ Hi Lạp có câu: "Cái rễ của học hành thì cay đắng nhưng quả của nó thì ngọt ngào". Theo em, đây là một câu nói vô cùng chính xác và sâu sắc về quá trình học tập của mỗi con người. Câu ngạn ngữ này lấy hình ảnh ẩn dụ của rễ và quả để truyền tải thông điệp về quá trình học tập gian truân tạo nên thành quả ngọt ngào. Trên một cái cây, bộ phận rễ chính là bộ phận cắm sâu trong lòng đất tối tăm, ngày qua ngày vất vả để nuôi dưỡng cái cây, và rồi một ngày những trái thơm quả ngọt được ra đời. Chuyện học hành cũng như vậy. Khi ta học tập chính là ta bắt đầu cắm rễ xuống đất và nuôi dưỡng cái rễ học hành của mình. Khi ta càng chịu khó đào sâu suy nghĩ học hành thì cái rễ của chúng ta càng sâu và vững chắc trong lòng đất để hút được nhiều chất dinh dưỡng và cũng không sợ bị gió bão quật đổ. Qúa trình học tập vất vả chính là để chúng ta nuôi dưỡng cái gốc rễ học vấn của mình được lớn lên và phát triển. Dù đó là quá trình vất vả, thử thách nhưng nó thực sự xứng đáng khi những trái thơm quả ngọt ra đời. Cái rễ học hành càng sâu bao nhiêu thì những trái thơm quả ngọt mà ta tạo ra càng thơm ngon bấy nhiêu. Chỉ khi ta luôn nỗ lực học hành, chăm chỉ học tập thì những trái thơm quả ngọt chúng ta tạo ra mới trở nên xứng đáng và ngọt ngào. Tóm lại, để có thể gặt hái được những thành quả ngọt ngào thì chúng ta phải chịu khó học tập ngay từ bây giờ.