Ngoài những nội dung trên, việc bảo đảm thi hành pháp luật ở địa phương có những đặc điểm sau:
Về phạm vi địa bàn:
- Địa bàn địa phương đã được xác định một cách ổn định và cụ thể;
- Địa bàn hẹp nhưng không kém phần phức tạp, là một xã hội thu nhỏ với trình độ phát triển, những nét văn hóa, truyền thống, tập quán riêng.
Về chủ thể quan hệ pháp luật:
- Cá nhân: là những người dân bao gồm cả những người lãnh đạo và những người dân thường với trình độ văn hóa, học vấn, nhận thức khác nhau, điều kiện bản thân, gia đình, mức sống, nhu cầu tự do, sở thích, quyền lợi khác nhau.
- Tổ chức: là các chủ thể quan hệ pháp luật có trách nhiệm thực hiện pháp luật và bảo đảm thi hành pháp luật, đó là các cơ quan thuộc chính quyền địa phương, các cơ quan bảo vệ pháp luật, các tổ chức, cơ quan khác trong hệ thống chính trị.
Về vai trò của cơ quan nhà nước địa phương và các tổ chức khác trong hệ thống chính trị.
- Chính quyền địa phương có trách nhiệm: quyết định việc thực hiện các biện pháp bảo đảm thi hành Hiến pháp và pháp luật ở địa phương; bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và công dân; áp dụng các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật.
- Tòa án nhân dân và viện kiểm sát nhân dân địa phương: là những cơ quan bảo vệ pháp luật, bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân ở địa phương.
- Các tổ chức đảng: giữ vai trò lãnh đạo toàn diện trong đó có việc thực hiện pháp luật ở địa phương. Đảng đề ra các chủ trương, đường lối và yêu cầu các tổ chức và đảng viên của Đảng gương mẫu trong thực hiện pháp luật và tuyên truyền, vận động, kiểm tra việc thực hiện pháp luật.
- Các đoàn thể và tổ chức xã hội là lực lượng to lớn trong thực hiện pháp luật của Nhà nước và tuyên truyền, phổ biến và động viên các hội viên, tổ chức của mình cũng như toàn dân thực hiện pháp luật và giám sát việc thi hành pháp luật ở địa phương .
Thuận lợi:
- Việc bảo đảm thi hành pháp lụât ở địa phương được thực hiện bằng nhiều biện pháp đồng bộ của các cơ quan chính quyền địa phương, từ việc thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương đến các biện pháp tuyên truyền, giáo dục và thi hành pháp luật cụ thể.
- Việc bảo đảm thi hành pháp luật được thực hiện trên một địa bàn cụ thể, ổn định nên có nhiều thuận lợi về thiên thời, địa lợi, nhân hòa.
- Các biện pháp bảo đảm thi hành pháp luật ở địa phương được xây dựng trên cơ sở phát huy truyền thống văn hóa, phong tục tập quán, kết hợp giữa các quy định chung của pháp luật với những nét đặc thù của địa phương.
Khó khăn:
- Về cơ sở pháp lý: việc bảo đảm thi hành pháp luật ở địa phương được thực hiện trên cơ sở các quy định của pháp luật về thẩm quyền của chính quyền địa phương. Tuy nhiên, các quy định hiện hành về vấn đề này còn quá chung chung.
- Tài liệu về các quy định của pháp luật, nhất là những văn bản pháp luật mới được ban hành không đáp ứng kịp thời, các văn bản pháp luật lại thường xuyên sửa đổi, bổ sung, nhiều quy định mâu thuẫn, chồng chéo nhau gây khó khăn cho việc áp dụng pháp luật, nhất là ở cơ sở.
- Điều kiện vật chất, phương tiện, kinh phí cho hoạt động bảo đảm thi hành pháp luật, nhất là ở cơ sở rất khó khăn.
- Đội ngũ cán bộ (nhất là cán bộ có trình độ) ở địa phương vừa thiếu, vừa yếu, đặc biệt là ở cơ sở.