Lễ hội cầu Ngư có nhiều tên gọi khác nhau như lễ hội nghinh Ông, lễ rước cốt Ông, lễ tế cá Ông, lễ cúng Ông, lễ nghinh ông Thuỷ tướng, nhưng tất cả đều có chung một quan niệm rằng cá "Ông" là sinh vật thiêng ở biển, là cứu tinh đối với những người đánh cá và làm nghề trên biển nói chung. Lễ hội cầu Ngư ở Quảng Nam là một hình thức diễn xướng dân gian hết sức độc đáo và đặc sắc, thể hiện ước vọng an lành, may mắn trong những chuyến giong buồm ra khơi đánh bắt nguồn hải sản. Lễ hội còn thể hiện cố kết cộng đồng cư dân ngư nghiệp, tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau trong lao động và sản xuất của những ngư dân sông nước đêm ngày đương đầu với mênh mông sóng gió giữa đại dương bao la.
Lễ hội cầu Ngư ở Quảng Nam thường được tổ chức ở hầu hết các làng xã ven biển với ý nghĩa gần giống nhau nhưng quy mô tổ chức và thời gian tổ chức lại tùy thuộc vào từng địa phương. Ở xã Cẩm An, thành phố Hội An, thì Lễ hội cầu Ngư được tổ chức hai lần trong năm vào các ngày 16-2 và 16-8, xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên, vào các ngày 20-2 và 20-7, xã Bình Hải, huyện Thăng Bình, vào các ngày 15-3 và 20-12, xã Tam Quang, huyện Núi Thành, vào ngày 1-6, xã Điện Dương, huyện Điện Bàn, vào ngày 24-4 và xã Tam Thanh , thành phố Tam Kỳ, thì vào ngày 1- 4.
Theo truyền thống, lễ hội được diễn ra trong thời gian 3 ngày đêm. Ngày đầu tiên diễn ra nghi thức lễ cúng trần thiết bài vị, rồi tiến hành theo Lễ nghinh Ông; ngày thứ hai diễn ra nghi thức đại lễ tế thần. Phần hội gồm có chèo bả trạo, hội xây chầu hát bội, hát dân ca và các trò chơi dân gian của ngư dân miền biển, diễn ra trong ngày thứ ba và có sự đan xen trong thời gian hành lễ của ngày đầu tiên và thứ hai. Nghi thức Lễ nghinh Ông còn gọi là nghinh thần, có nơi thực hiện lễ nghinh ông cả dưới biển lẫn trên bờ còn gọi là nghinh thủy lục. Thông thường lễ hội nghinh Ông có lễ rước và lễ tế truyền thống. Lễ rước kiệu của Nam hải Tướng quân xuống thuyền ra biển. Dọc theo đường rước, ngư dân sống trên biển và bà con nghênh đón. Cùng với thuyền rước Thuỷ tướng, có nhiều ghe lớn nhỏ tháp tùng ra biển. Đoàn rước quay về bến nơi xuất phát, rước Ông về lăng.