Việt Nam là quốc gia đa tôn giáo và có nhiều loại hình tín ngưỡng.Trong lịch sử đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, chức sắc, tín đồ các tôn giáo đều có những đóng góp to lớn, quan trọng.Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn khẳng định, đoàn kết tôn giáo là nguồn lực nội sinh có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo là chính sách nhất quán, xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta được cụ thể bằng pháp luật và đảm bảo trên thực tế và đây là một trong những quyền cơ bản của công dân, được khẳng định trên nguyên tắc Hiến định (Hiến pháp năm 2013).
Ngay sau khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 3-9-1945 tại phiên họp Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của một bộ phận đồng bào có đạo. Người nói: “Tôi đề nghị Chính phủ tuyên bố tín ngưỡng tự do và lương - giáo đoàn kết”. Ngày 14-6-1955, Người đã ký Sắc lệnh số 234/SL nêu rõ: “Việc tự do tín ngưỡng, tự do thờ cúng là quyền lợi của nhân dân. Chính phủ luôn tôn trọng và giúp đỡ nhân dân thực hiện. Chính quyền không can thiệp vào nội bộ các tôn giáo. Các tổ chức tôn giáo phải tuân theo pháp luật của Nhà nước như mọi tổ chức khác của nhân dân. Việc bảo vệ tự do tín ngưỡng bắt buộc phải trừng trị những kẻ đội lốt tôn giáo gây rối loạn”. Người từng kêu gọi các tôn giáo hãy xóa bỏ hiềm khích, đoàn kết cùng toàn dân lo cho nền độc lập của nước nhà.
Kế thừa quan điểm, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tôn giáo, trong các giai đoạn cách mạng, Đảng, Nhà nước ta đều quan tâm đến nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân. Bước sang thời kỳ đổi mới, Đảng, Nhà nước ta ban hành nhiều chủ trương, chính sách về tôn giáo và cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 1992 và 2013 về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân. Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 16-10-1990; Nghị quyết số 25- NQ/TW ngày 12-3-2003. Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 11 đã ban hành Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo (số 21/2004/ PL- UBTVQH 11) quy định về các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo. Chính phủ ban hành Nghị địnhsố 22/2005/NĐ-CP ngày 1-3- 2005 về hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo. Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 1940/CT-TTg ngày 31-12-2008 “về nhà, đất liên quan đến tôn giáo”, tạo hành lang pháp lý ổn định, nhất quán để ghi nhận, bảo đảm thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân. Đây là điều rất cần thiết nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, bảo đảm tính tương thích với luật pháp quốc tế. Hiến pháp năm 2013 có những sửa đổi rất quan trọng về chủ thể của quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo không chỉ là của “công dân” Việt Nam mà là của “mọi người”, ghi nhận quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là một trong những quyền cơ bản của con người. Cụ thể hóa, Quốc hội khóa XIV thông qua, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, có hiệu lực từ ngày 1-1-2018.
Như vậy, có thể khẳng định, các chính sách, pháp luật đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt, sâu sắc của Đảng, Nhà nước Việt Nam đến quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, nhu cầu tín ngưỡng của tín đồ, chức sắc các tôn giáo, làm cho quần chúng nhân dân, tín đồ và các chức sắc tôn giáo yên tâm phấn khởi tích cực thực hiện tốt cả “việc đạo, việc đời”; khuyến khích các tôn giáo tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, lao động sản xuất phát triển kinh tế - xã hội, đấu tranh ngăn chặn những hoạt động lợi dụng tôn giáo góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Có thể khẳng định, các tôn giáo có điều kiện phát triển, được tự do hành lễ dù ở nhà riêng hay nơi thờ tự; quan hệ quốc tế của các tôn giáo được mở rộng, sinh hoạt tôn giáo được công khai theo quy định của pháp luật.
Nếu như trước khi có Pháp lệnh Tín ngưỡng tôn giáo năm 2004, cả nước có 6 tôn giáo, 13 tổ chức 20.929 cơ sở thờ tự tôn giáo, với 34.181 chức sắc, 78.913 chức việc, với 17,4 triệu tín đồ, thì đến năm 2018, cả nước có 15 tôn giáo với 41 tổ chức, số lượng cơ sở thờ tự là 29.977, với 55.839 người, 133.662 chức việc, 24,7 triệu tín đồ.
So sánh các số liệu ở thời điểm trước và sau khi có pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo, cho thấy quyền tự do tôn giáo của người dân luôn được đảm bảo trên thực tế, với minh chứng sinh động là sự gia tăng chức sắc, cơ sở thờ tự và tín đồ các tôn giáo.
Trong các ngày lễ lớn của các tôn giáo như lễ Nô-en của Công giáo, Tin lành, Lễ Phật đản của Phật giáo, chính quyền các cấp tạo điều kiện và hướng dẫn để tôn giáo tổ chức và chỉ đạo công tác đảm bảo an ninh trật tự, để quần chúng nhân dân và tín đồ tôn giáo yên tâm tham gia các lễ hội. Bên cạnh đó, Đảng, Nhà nước Việt Nam còn triển khai nhiều chương trình, mục tiêu chiến lược phát triển kinh tếxã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng tại các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào các tôn giáo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào có đạo; khẳng định sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo dưới sự lãnh đạo của Đảng cùng phấn đấu cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tôn giáo là một vấn đề nhạy cảm. Phía sau chức sắc, chức việc tôn giáo có hàng vạn tín đồ, quần chúng tin theo, nên thời kỳ nào các thế lực thù địch cũng lợi dụng tìm mọi cách chống phá, tuyên truyền những luận điệu sai trái cho rằng, Việt Nam không có tự do tôn giáo; Luật tín ngưỡng, có khái niệm trừu tượng; Nhà nước dễ quy kết trách nhiệm và lên án các tổ chức tôn giáo, khi chính quyền không hài lòng, tự do tôn giáo là quyền của mỗi người. Chúng còn vu cáo Nhà nước ta vi phạm dân chủ, nhân quyền nhằm kích động, chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc; chia rẻ Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp với đồng bào có đạo. Mỗi khi Nhà nước ta bổ sung hoặc thay thế những văn bản pháp luật mới để điều chỉnh hoạt động tôn giáo như Luật tín ngưỡng, tôn giáo, Luật An ninh mạng… tương thích với luật pháp quốc tế về quyền con người, phù hợp với quá trình hội nhập và phát triển của đất nước, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng,tâm linh của chức sắc, tín đồ tôn giáo thì các thế lực thù địch lại dấy lên chiến dịch viết bài đăng tải trên các trang mạng, các blog… đòi bãi bỏ hoặc xuyên tạc, phủ nhận, tìm các chức sắc, tín đồ thực hiện, tạo ra sự đối lập với chính quyền.
Song cần phải hiểu rõ, bản chất vấn đề tôn giáo là tổ chức mang tính xã hội. Ở bất cứ quốc gia nào trên thế giới, dù là quốc gia phát triển hay đang phát triển, khi thành lập tổ chức tôn giáo và hoạt động tôn giáo thì nhà nước có trách nhiệm đảm bảo an ninh trật tự, đáp ứng nhu cầu tâm linh của mọi người và xử lý những người cản trở hoạt động tôn giáo chính đáng. Các quốc gia đều quan tâm đến công tác quản lý nhà nước về tôn giáo.Mỗi quốc gia có cách quản lý riêng tùy thuộc vào điều kiện phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.Để xây dựng và hoàn thiện thể chế nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, năm 2016, nước ta có Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Quá trình xây dựng Luật, Chính phủ đều lấy ý kiến của chức sắc, tín đồ các tôn giáo, do đó các tôn giáo đều phấn khởi đón nhận. Bên ngoài, cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong việc hoàn thiện pháp luật, phù hợp với công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia ký kết, rút ngắn thời gian công nhận tổ chức tôn giáo từ 23 năm xuống còn 5 năm, lần đầu tiên đã xác nhận pháp nhân phi thương mại của tổ chức tôn giáo…
Như vậy, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm xây dựng chính sách, pháp luật để đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người và các tổ chức tôn giáo xây dựng Hiến chương điều lệ hoạt động gắn bó, đồng hành cùng dân tộc trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhờ đó, các tổ chức tôn giáo ở ViệtNam đều có điều kiện giao lưu quốc tế, xây dựng tổ chức thực hành chính đạo, mở rộng cơ sở thờ tự…. Nhiều cá nhân, tổ chức tôn giáo nước ngoài đã thuyết pháp, giảng đạo tại một số cơ sở thờ tự tại Việt Nam công khai theo quy định của pháp luật. Thông qua những hoạt động này, các tôn giáo đã tăng cường trao đổi thông tin với tôn giáo đồng đạo để họ hiểu rõ hơn về chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam. Sự đoàn kết và đóng góp của các tôn giáo ở Việt Nam cùng chung tay, chung sức đã thể hiện trách nhiệm đối với xã hội, đóng góp thiết thực vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Chính sách, pháp luật về tôn giáo đã phát huy nguồn lực của tôn giáo và khuyến khích các tổ chức tôn giáo tham gia vào các lĩnh vực của đời sống xã hội, đã xuất hiện nhiều mô hình và tấm gương tiêu biểu của chức sắc, chức việc, tín đồ tôn giáo trong công tác an sinh, xã hội, phòng chống biến đổi khí hậu, từ thiện. Theo thống kê ban đầu, cả nước có 270 trường mầm non, khoảng 1.000 nhóm, lớp mầm non độc lập do các cá nhân tôn giáo thành lập, chiếm tỷ lệ 2% so với tổng số trường mầm non công lập và ngoài công lập, chiếm 15% so với tổng số trường mầm non ngoài công lập trên phạm vi toàn quốc. Các cơ sở giáo dục mầm non này huy động khoảng 125.000 trẻ đến trường, chiếm tỷ lệ 3,6% so với tổng số trẻ đến trường mầm non trên toàn quốc.
Ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đã xuất hiện những làng văn hóa, khu phố văn hóa, với nét sinh hoạt đạo - đời hòa hợp, nhiều khu dân cư ở vùng đồng bào tôn giáo đã trở thành điểm sáng về phòng chống tội phạm ma túy và các tệ nạn xã hội, giữ gìn an ninh trật tự. Chức sắc và đồng bào theo đạo đã tích cực tham gia phòng chống tệ nạn, xã hội, thông qua các lời răn dạy, các giáo lý, tín điều và nếp sống đạo đức tôn giáo, đóng góp sức người, sức của với khả năng lớn nhất của mình cho sự nghiệp phát triển chung của quê hương, đất nước. Những thành tựu về việc thực hiện chính sách, pháp luật về tôn giáo đã làm cho đồng bào tôn giáo nhận thức sâu sắc hơn về quyền, trách nhiệm của mình, tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Đảng với công cuộc đổi mới của đất nước, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, phản bác các luận điệu xuyên tạc, kích động, vu cáo của thế lực xấu về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam./.