Nhưng trái ngược với giận dữ là cái gì? Không tức giận không có nghĩa là thờ ơ, mặc kệ, không có chính kiến. Không nổi giận không có nghĩa là nhút nhát, yếu đuối. Trái ngược với giận dữ là sự điềm tĩnh. Sự điềm tĩnh nằm ở giữa của dải tần mà một cực là sự lãnh đạm hay bạc nhược, và cực kia là sự hung hăng, căm giận ngùn ngụt. Khác với nhu nhược, điềm tĩnh là nền tảng cho một thái độ cương quyết, đanh thép, sự minh mẫn, sắc bén và sự thuyết phục. Điềm tĩnh cũng khác với hung hăng ở chỗ nó không thô bạo và phá hủy. Trong điềm tĩnh ẩn chứa sức mạnh. Nó là vũ khí sắc bén nhất để bạn không những bảo vệ mình mà còn những người liên quan trước chính họ. Điềm tĩnh cũng không phải là kìm nén giận dữ, một dạng chạy trốn xung đột, bên ngoài “vẫn bình thường”, không tỏ ra phản đối hay bất đồng, trong khi bên trong sôi sục như một nồi áp suất đóng chặt vung. Người cương quyết không lẫn tránh xung đột, mà bày tỏ nhu cầu của mình, bảo vệ niềm tin của mình, trong khi vẫn tôn trọng cảm xúc, nhân phẩm và lưu ý tới nhu cầu của người kia. Anh ta không mong muốn hạ nhục hay đè bẹp người khác, không cưỡng ép hay đe dọa. Người điềm tĩnh mà cương quyết có thiện chí đi tìm giải pháp trong tinh thần hợp tác. Anh vững vàng ở giữa biển giận dữ của người khác. (Trích Thiện, Ác và Smartphone - Đặng Hoàng Giang, NXB Hội nhà văn, 2017, tr.162 -163) Câu 1. Chỉ ra phương thức biểu đạt chính của đoạn trích. Câu 2. Theo tác giả, sự điềm tĩnh khác với nhu nhược và hung hăng ở chỗ nào? Câu 3. Anh/Chị hiểu như thế nào về ý kiến: Trong điềm tĩnh ẩn chứa sức mạnh? Câu 4. Anh/Chị có đồng tình với quan niệm: Người điềm tĩnh mà cương quyết có thiện chí đi tìm giải pháp trong tinh thần hợp tác. Anh vững vàng ở giữa biển giận dữ của người khác? Vì sao?

Các câu hỏi liên quan