Câu 3 Thông hiểu:
Biện pháp tu từ được sử dụng trong câu văn là biện pháp so sánh "như những hạt cát chảy qua kẽ lòng bàn tay của chúng ta, không bao giờ quay trở lại". Hình ảnh so sánh này giúp cho thời gian trở nên hữu hình, cụ thể và sinh động. Người đọc có thể hình dung được một cách cụ thể sự chảy trôi của dòng thời gian nhanh đến mức như những hạt cát không thể nắm bắt lại được, vì thế thời gian trôi qua cũng không bao giờ lấy lại được nữa
Câu 4 Thông hiểu:
Em hoàn toàn đồng ý với quan điểm này. Khi chúng ta biết sử dụng thời gian một cách khôn ngoan, dùng quỹ thời gian của mình cho những việc thực sự có ích, có ý nghĩa và quan trọng đối với chính cuộc sống của mình thì cuộc sống của chúng ta sẽ trở nên có phương hướng, có định hướng, sống có ích và sống có kế hoạch từ sớm. Vì thế, ta sẽ sớm có được những thành quả nhất định trong công việc nếu như chịu khó kỷ luật, tiết kiệm thời gian ngay từ khi còn trẻ.
Câu 1 Làm văn:
Trong cuộc sống, thời gian chính là một thứ tài sản quý báu. Thật vậy, thời gian là miễn phí nhưng nó lại chẳng thể mua được vì thời gian đã trôi qua rồi là chẳng thể lấy lại được nữa. Mỗi người có một quỹ thời gian hàng ngày như nhau. Tuy nhiên, có những người biết sử dụng thời gian của mình bằng những việc có ý nghĩa. Họ biết xót từng phút giây trôi qua nên luôn tìm cách sống trọn vẹn từng giây để có được một cuộc sống có ý nghĩa khi nhìn lại sau này. Ngược lại, có những người chưa thực sự biết quý trọng thời gian. Vì chúng ta nghĩ thời gian của bản thân có nhiều, nên tùy tiện để cho nó trôi qua, tùy tiện phung phí thời gian vào những việc vô bổ, luôn viện cớ cho sự trì hoãn bằng lý do mang tên "ngày mai". Nhưng thực ra, thời gian chúng ta có được không nhiều đến như thế. Biết tận dụng từng giây của cuộc sống cũng đã đủ để làm nên sự khác biệt giữa hai kết quả nhận được. Nếu như ta đứng ở vị trí của một bệnh nhân đang hấp hối thì chúng ta sẽ hiểu được sự quý giá của từng giây phút níu kéo sự sống là như thế nào. Hay như giữa vấn đề chính trị của các nước thì một giây, một phút cũng đủ làm nên lịch sử và kết quả chính trị khác nhau. Đối với mỗi cá nhân chúng ta, việc tiết kiệm, quý trọng và biết tận dụng thời gian vào những việc có ích chính là để đem lại lợi ích cho chính bản thân chúng ta. Thay vì dùng thời gian cho những việc không quá cần thiết, học sinh chúng ta có thể dùng để đọc thêm sách, dành thời gian học thêm những kỹ năng cuộc sống bổ ích, dành thời gian cho gia đình,... Tóm lại, việc mỗi người biết quý trọng thời gian chính là để có được một cuộc sống có ý nghĩa hơn.