Bài làm
Mỗi đất nước đều có trang phục truyền thống biểu trưng cho văn hóa của quốc gia mình. Nếu Nhật Bản nổi tiếng với Kimono, Hàn Quốc được biết đến với Hanbok thì Việt Nam lại tự hào với Áo dài. Áo dài không chỉ là trang phục truyền thống mà còn là biểu tượng cho vẻ đẹp người phụ nữ Việt Nam.
Ngược dòng thời gian để tìm về với nguồn cội, chiếc áo dài đầu tiên với hai tà áo thướt tha bay lượn đã xuất hiện từ trên ba ngàn năm trước. Đồng hành cùng bước đi của lịch sử, áo dài đã trải qua nhiều kiểu dáng khác nhau. Kiểu sơ khai là áo giao lành, được mặc phủ ngoài yếm đào, váy lụa đen, thắt lưng buông thả. Nhưng để tiện cho việc làm ăn, việc đồng áng, áo giao lành được thu gọn thành áo tứ thân. Rồi từ áo tứ thân lại chuyển thành áo dài cổ kính, ôm sát thân, hai vạt trước được tự do tung bay hài hòa giữa cũ và mới. Trải qua bao năm tháng, áo dài dần được thay đổi và hoàn thiện hơn để phù hợp với nhu cầu thẩm mỹ và cuộc sống năng động của người phụ nữ ngày nay.
Áo dài có hình dáng thanh lịch, thướt tha. Cổ áo cổ điển là cổ Tàu, cao khoảng 4 đến 5 cm, khoét hình chữ V nhỏ trước cổ, tôn lên vẻ đẹp của chiếc cổ cao thanh tú của người phụ nữ. Ngay nay, kiểu cổ áo dài được sáng tạo đa dạng như kiểu trái tim, cổ tròn, cổ chữ U,...Thân áo kéo dài từ dưới cổ xuống eo, được may vừa vặn ôm sát lấy người mặc. Cúc áo dài thường là cúc bấm, được cài từ cổ qua vai xuống đến phần eo. Sau này, người ta còn thiết kế ra loại ít cúc hơn, hoặc khóa kéo sau lưng áo. Từ eo, thân áo dài được xẻ làm hai tà là tà trước và tà sau. Áo dài truyền thống có tà dài đến gót chân, áo dài cách tân thì chỉ qua gối. Tay áo may ôm sát cánh tay.
Áo dài thường được mặc với quần thụng thay cho váy đen ngày xưa. Quần áo dài thường được may với vải mềm, rũ. Áo dài được may với nhiều chất liệu khác nhau như: nhung, voan, lụa, gấm... với nhiều màu sắc phong phú. Họa tiết trên áo có thể là hoa, con vật như chim phụng hoàng, bướm... và nhiều hoa văn mang đạm bản sắc dân tộc. Với sự sáng tạo không ngừng của các nhà thiết kế, áo dài có thể mang nhiều hình dáng khác nhau.
Chất liệu làm ra một chiếc áo dài đòi hỏi người mặc cần biết cách bảo quản. Khi gặt áo, chỉ giặt bằng tay, giũ cho áo ráo nước và phơi ngoài nắng nhẹ, tránh nắng gắt vì áo dễ bạc màu. Dùng bàn ủi ủi với nhiệt độ thích hợp tránh quá nóng làm cháy áo. Mặc xong nên giặt áo ngay, treo lên bằng móc áo, nếu gấp phải gấp cẩn thận tránh làm gãy cổ áo.
Trong cuộc sống hiện đại, áo dài không chỉ là trang phục lễ hội truyền thống, là biểu tượng của người phụ nữ Việt Nam mà còn trở thành trang phục công sở cho nhiều ngành nghề như tiếp viên hàng không, nữ giáo viên, nữ nhân viên ngân hàng,… Áo dài trắng là biểu tượng tinh khôi của nữ sinh Việt Nam. Áo dài đỏ cung vui trong ngày lễ ăn hỏi, thành hôn của cặp trai tài gái sắc. Mỗi dịp xuân về, nhiều gia đình nô nức chuẩn bị áo dài cho tất cả các thành viên để cùng đón một cái Tết sum vầy, ý nghĩa. Không chỉ như vậy, ở các cuộc thi sắc đẹp trong nước và quốc tế, các thí sinh đều tự chọn cho mình một chiếc áo dài để dự thi. Bạn bè thế giới biết đến vẻ đẹp Việt Nam gắn liền với chiếc áo dài thướt tha, thanh lịch.
Năm tháng qua đi, nhiều trang phục hiện đại dần phổ biến hơn. Nhưng áo dài vẫn lưu giữ trọn vẹn vẻ đẹp truyền thống dân tộc Việt Nam. Áo dài cùng nón lá chính là nét duyên dáng Việt. Nhìn thấy hình ảnh áo dài, bao trái tim xa quê hương vẫn thổn thức nghĩ về Việt Nam yêu thương xa nhớ.