Trong thiên truyện Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân, hình ảnh nhân vật thị đã để lại ấn tượng sâu đậm trong ta. Có lẽ, ấn tượng về thị là ấn tượng về một người phụ nữ với những đổi thay. Nếu như trong lần đầu gặp gỡ với Tràng, ở thị có cái gì ẩn hiện của sức sống, của khao khát thì đến lần hai thị gặp Tràng, mọi thứ đổi thay. Người phụ nữ ấy bị cái đói làm cho khô cằn, làm rách rưới. Bộ quần áo "như tổ đỉa, gương mặt xanh xao, hai con mắt lồi ra". Mọi đổi thay ấy làm ta thấy thương thị- nạn nhân của cái đói. Nhưng rồi ta cũng đầy bất ngờ, ngỡ ngàng khi thị hành động, cư xử đến cộc cằn. Thị bắt đền anh cu Tràng miếng ăn, thị làm vợ anh dù biết chỉ là câu bông đùa. HÌnh ảnh người phụ nữ cắm mặt và ăn "một chặp bốn bát bánh đúc" vừa thô tục, lại vừa là nỗi đau của hoàn cảnh. Người ta đã ngỡ rằng thị đánh mất tự trọng, đánh mất cái e dè của phụ nữ cần có. Nhưng hơn hết, ta hiểu đó là khao khát sống. Khao khát ấy lớn đến mức làm thị sẵn sàng hành động, hành động đầy phi lí. Biết gia cảnh anh Tràng, thị không bỏ đi. Thị vẫn ở đó, thị làm vợ anh trong cái đói. Người phụ nữ chỏng lỏn hồi nào sau khi thành vợ ,thành con dâu dù nghèo khó nhưng cung đã đổi khác. Cái "nén một tiếng thở dài" của thị giúp ta hiểu ra thị đã chấp nhận, thị muốn cùng chung vai với anh cu Tràng. Người vợ hiền hôm sau, người vợ dọn dẹp nhà cửa, người vợ ấy đã thổi lên tia sáng trong căn nhà chỉ có bóng tối. Ta thương, ta cảm thông, ta xót xa cho hoàn cảnh của thị vô cùng!