Câu tục ngữ "Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng" là một trong những câu tục ngữ có giá trị quý báu trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam. Câu tục ngữ đã sử dụng hình ảnh ẩn dụ của mực, đen, đèn, sáng. "Mực" là ẩn dụ của những điều không tốt, những điều không hay và những yếu tố xấu đến từ môi trường tác động đến con người. "Đen" là ẩn dụ của sự phát triển và lớn lên không tốt của mỗi cá nhân. Cùng với đó, "đèn" là ẩn dụ của những điều tốt đẹp của môi trường tác động đến đời sống của con người. Và "sáng" là ẩn dụ của sự phát triển tốt đẹp và toàn diện của một con người. Bằng lối nói ẩn dụ, ngắn gọn và điệp cấu trúc "Gần...thì", câu tục ngữ đã truyền tải bài học triết lý sâu xa ở đời vô cùng dễ nhớ, dễ đọc thuộc và có tính truyền miệng. Bài học ở đây đó chính là môi trường sống, môi trường giáo dục có tác động vô cùng lớn đến sự phát triển và trưởng thành của mỗi cá nhân. Khi một người được sống trong môi trường tốt, được nhận giáo dục đầy đủ, chăm sóc chu đáo thì người đó sẽ lớn lên bằng tất cả những điều tốt đẹp nhất. Điều này cũng đúng với trường hợp ngược lại. Tuy nhiên, môi trường sống và giáo dục chỉ tác động đáng kể đến sự phát triển nhân cách của mỗi người mà thôi, chứ không phải quyết định hoàn toàn. Tóm lại, câu tục ngữ ngắn gọn, súc tích đã khẳng định thông điệp sâu sắc về vai trò của môi trường sống đối với mỗi cá nhân.