Đoạn thơ trên đã cho thấy khí thế và vẻ đẹp của người lao động miền biển. "Trời trong, gió nhẹ, sớm mai hồng" là điều kiện lý tưởng để ngư dân ra khơi đánh cá. Bằng biện pháp tu từ so sánh, con thuyền hiện lên với vẻ đẹp vô cùng dũng mãnh: "Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã". Con thuyền như con tuấn mã mạnh mẽ "vượt trường giang" và mỗi ngư dân như người anh hùng đi chinh phục đại dương bao la. Tất cả hiện lên như đang nhuốm màu huyền thoại. Hàng loạt động từ, tính từ như "hăng", "phăng", "mạnh mẽ", "giương", "rướn", "thâu" trong đoạn thơ trên càng làm nổi bật sự khỏe khoắn và năng lượng tràn đầy của con thuyền và của ngư dân miền biển. Một lần nữa, nhà thơ Tế Hanh lại khéo léo sử dụng biện pháp tu từ so sánh để so sánh "cánh buồm" với "mảnh hồn làng". "Mảnh hồn làng" phải chăng chính là tâm hồn, là phẩm chất đầy cao đẹp của dân làng chài? "Cánh buồm" ấy đã ra khơi, nuôi lớn biết bao con người nơi đây. Phải là một người tinh tế và có tình yêu tha thiết với quê hương thì mới có thể cất lên những vần thơ hay đến vậy. Cánh buồm mang sức mạnh phi thường ra khơi, đem theo bao ước mong, khát khao một mùa cá bội thu của người lao động. Quả là không sai khi nhận xét đây là một trong những đoạn thơ hay nhất của thi phẩm "Quê hương".
* Gạch chân: câu phủ định