Cải cách Minh Trị, hay Cách mạng Minh Trị, hay Minh Trị Duy tân, (明治維新 Meiji-ishin) là một chuỗi các sự kiện cải cách, cách mạng dẫn đến các thay đổi to lớn trong cấu trúc xã hội và chính trị của Nhật Bản. Cuộc cách mạng Minh Trị diễn ra từ năm 1866 đến năm 1869, một thời kỳ 3 năm chuyển đổi thời kỳ hậu Edo (thường gọi là Hậu Shogun Tokugawa) và bắt đầu thời kỳ Minh Trị. Những sự kiện xảy ra ở Nhật Bản vào những năm 1860-1870 là một cuộc cách mạng tư sản không triệt để và "thời kì Minh Trị" là thời kì quá độ từ chế độ phong kiến sang chủ nghĩa tư bản. Sau năm 1868, chính quyền không ở trong tay giai cấp tư sản mà là nền chuyên chế của Nhật hoàng, ra đời trên cơ sở liên minh quý tộc - tư sản để lật đổ Shogun. Các nhà lãnh đạo mới và tầng lớp ưu tú mới của đất nước đều có nguồn gốc võ sĩ, vì thế nước Nhật mới - Đại đế quốc Nhật Bản - vẫn mang nhiều tính chất quân phiệt. Điều này giải thích tại sao Nhật Bản có nhiều hoạt động quân sự quy mô cho đến tận Thế chiến thứ hai.
Nhưng, cuộc cách mạng 1868 cũng mở đường cho việc biến nước Nhật Bản phong kiến thành một nước tư bản chủ nghĩa, thoát khỏi số phận một nước thuộc địa hay nửa thuộc địa. Cuộc cách mạng Minh Trị đã dẫn đến quá trình công nghiệp hóa của Nhật Bản khiến nền kinh tế Nhật Bản phát triển mạnh mẽ trong 30 năm cuối của thế kỷ XIX khiến nước này trở thành một cường quốc quân sự năm 1905 sau khi đánh bại hải quân hoàng gia Nga và trước đó là chiến thắng trong cuộc chiến tranh Giáp Ngọ (1894-1895) với nhà Thanh. Sự phát triển của kinh tế Nhật Bản cũng làm xuất hiện các công ty độc quyền với những nhà tài phiệt thao túng cả kinh tế và chính trị Nhật Bản.
Với mong muốn đuổi kịp phương Tây, giáo dục đã rất được coi trọng. Và chỉ trong vòng hai, đến ba thế hệ, nước Nhật đã từ chỗ coi trọng thân phận con người theo nguồn gốc dòng dõi, chuyển sang cất nhắc cán bộ theo trình độ giáo dục (tân học). Điều này làm cho xã hội Nhật Bản trở nên bình đẳng một cách đáng kể, thậm chí hơn cả nước Anh cùng thời. Nhưng nó cũng làm cho tính giáo điều trở thành nếp trong suy nghĩ của người Nhật.
Tuy nhiên, sự phát triển của kinh tế Nhật bản khiến giai cấp công nhân Nhật bản ngày càng bị bóc lột nặng nề và điều kiện làm việc ngày càng tồi tệ dẫn đến sự đấu tranh của giai cấp công nhân. Năm 1901, đảng Xã hội dân chủ Nhật Bản được thành lập. Tháng 7/1922, Đảng Cộng sản Nhật Bản được thành lập.