Bài thơ "Bánh trôi nước" của nữ nhà thơ Hồ Xuân Hương là một bài thơ quen thuộc, giúp người đọc cảm nhận được sự cảm thông, thương xót cho số phận của người phụ nữ ở xã hội phong kiến xưa. Tác giả đã mượn hình ảnh chiếc bánh trôi nước nhằm thể hiện vẻ đẹp hình thể cũng như tâm hồn của người con gái với thân phận bé nhỏ, chìm nổi, bị lệ thuộc mà vẫn giữ gìn được vẻ đẹp phẩm giá của mình. Qua đó, bạn đọc như thấy được phần nào tấm lòng của nhà thơ Hồ Xuân Hương để rồi càng thêm trân trọng tài năng của người nữ sĩ. Hình ảnh chiếc bánh trôi nước được làm bằng bột nếp trắng, bên trong là nhân đường phèn màu đỏ. Bánh tròn hay méo, rắn hay nát đều phụ thuộc vào người làm bánh. Và chiếc bánh trôi nước chính là hình ảnh ẩn dụ cho người phụ nữ ở xã hội phong kiến. Họ đều là những người phụ nữ đẹp về hình thể và đẹp về phẩm chất cao quý: nhân hậu, son sắt, thủy chung,... Tuy không có tiếng nói và phải lệ thuộc vào người khác nhưng họ vẫn thể hiện được những phẩm chất cao quý của riêng mình.