bài 1 Bài ca dao này có hai cái đẹp: cái đẹp của cánh đồng và cái đẹp của cô gái thăm đồng. Cả hai cái đẹp đều được miêu tả rất hay. Cái hay ỗ đây là cái hay riêng của bài ca dao này, không thấy có ở bất kì một bài ca dao nào khác.
Phân tích bài ca dao này, nhiều người thường chia ra hai phần: phần trên (hai câu đầu) là hình ảnh cánh đồng; phần dưới (hai câu cuối) là hình ảnh cô gái thăm đồng. Thực ra không hoàn toàn như vậy. Bởi vì, ngay từ hai câu đầu, hình ảnh cô gái thăm đồng đã xuất hiện hết sức rõ nét và sống động. Cụm từ “mênh mông bát ngát” được đặt ở vị trí cuối cùng. Trước đó, trước khi nói đến sự mênh mông bát ngát của cánh đồng, cô gái đã tự miêu tả và giới thiệu rất cụ thể về chỗ đứng cũng như cách quan sát cánh đồng của mình. Hình ảnh cô gái thăm đồng hiện lên với tất cả dáng điệu của một con người năng nổ, tích cực. Đứng “bên ni” rồi lại đứng “bên tê” để ngắm nhìn, quan sát cánh đồng từ nhiều phía, dường như cô muốn thâu tóm, nắm bắt, cảm nhận cho thật rõ tất cả cái mênh mông bát ngát của đồng lúa quê hương.
Cả hai câu đầu đều không có chủ ngữ, khiến cho người nghe, người đọc rất dễ đồng cảm với cô gái, tưởng chừng như đang cùng cô gái đi thăm đồng, đang cùng cô “đứng bên ni đồng, ngó bên tê đồng…” và ngược lại. Nhờ vậy mà cái cảm giác về sự mênh mông, bát ngát của cánh đồng cũng lan truyền sang ta một cách tự nhiên và ta cảm thấy như chính mình đã trực tiếp cảm nhận, rút ra và nói lên điều đó.
Nếu như ở hai câu đầu, cô gái phóng tầm mắt nhìn bao quát toàn bộ cánh đồng lúa quê hương để chiêm ngưỡng sự “bát ngát mênh mông” của nó, thì ở hai câu cuối, cô gái lại tập trung ngắm nhìn, quan sát và đặc tả riêng một “chẽn lúa đòng đòng” và liên hệ so sánh với bản thân mình một cách rất hồn nhiên:
Em như chẽn lúa đòng đòng
Phất phơ giữa ngọn nắng hồng buổi mai.
Từ “em” ở đầu câu trên có người ghi là “thân em”. Trong ca dao truyền thống, nhất là trong ca dao tình yêu, những từ “em” và “thân em” được dùng khá phổ biến. Nói chung đó là những từ có nghĩa khác nhau, nhưng riêng trong bộ phận ca dao than thân, hai từ đó lại được dùng và được coi là đồng nghĩa. Ví dụ:
Thân em như con cá rô thia
Ra sống mắc lưới, vào đìa mắc câu.
Em như con hạc đầu đình
Muốn bay chẳng cất nổi mình mà bay.
Ở bài ca dao này, dùng từ “em” thích hợp hơn cụm từ “thân em”. Vì đây không phải là ca dao than thân. Hơn nữa, hai câu đầu của bài ca dao này đã được làm theo thể thơ tự do (mỗi câu kéo dài trên mười tiếng), nếu câu thứ ba dùng từ “em” thì hai câu cuối sẽ trở về với thể thơ lục bát chính thức, nghiêm chỉnh, như thế hiệu quả thẩm mĩ sẽ cao hơn.
Hình ảnh “chẽn lúa đòng đòng” tượng trưng cho cô gái đang tuổi dậy thì căng đầy sức sống. Hình ảnh “ngọn nắng” thật độc đáo. Có người cho rằng đã có “ngọn nắng” thì cũng phải có “gốc nắng”và “gốc nắng” chính là mặt trời vậy.
Bài ca dao quả là một bức tranh tuyệt đẹp và giàu ý nghĩa.
Bài 2
Ca dao, dân ca không chỉ là tiếng hát về tình cảm gia đình, tình yêu quê hương đất nước con người mà còn là những tiếng than than thân trách phận của những cuộc đời, cảnh ngộ bất hạnh, đắng cay. Và chúng ta đã biết đến với một bài ca dao như thế:
“Thương thay thân phận con tằm,
Kiếm ăn được mấy phải nằm nhả tơ.
Thương thay lũ kiến li ti,
Kiếm ăn được mấy phải đi tìm mồi.
Thương thay hạc lánh đường mây
Chim bay mỏi cánh biết ngày nào thôi.
Thương thay con cuốc giữa trời
Dầu kêu ra máu có người nào nghe”
Người lao động xưa khi nhìn thấy những con vật nhỏ bé tội nghiệp thường có sự đồng cảm tự nhiên và hay vận vào thân phận của mình. Chính vì vậy, toàn bộ bãi ca dao là hình ảnh ẩn dụ đặc sắc về số phân hẩm hiu, khốn khổ.
Con tằm bé nhỏ mà thật có ích. Chúng nhả ra những sợi tơ vàng óng dùng để dệt thành vải, lụa là phục vụ cho nhu cầu may mặc của con người. Nhưng chúng chỉ được ăn lá dâu - thứ lá tầm thường nơi bãi sông đồng ruộng. Đã vậy, sau khi giúp con người lấy được thứ cần thiết, thỏa mãn nhu cầu của con người thì tằm cũng chết. Cuộc đời tằm thật đáng thương, sống thì chẳng ăn được mấy mà cống hiến cho tới lúc lìa đời. Cuộc đời như thế khác nào cuộc đời người lao động xưa kia, suốt đời bị kẻ khác bòn rút sức lực công lao. Họ bỏ ra quá nhiều nhưng chẳng hề được hưởng thụ dù chỉ là một chút thành quả lao động của mình. Đó chính là nguyên nhân của nghèo đói, của vất vả khó khăn và kéo dài trong bất công vô vọng.
Bé nhỏ hơn cả tằm là lũ kiến li li. Kiến sống thành đàn, đoàn kết hỗ trợ và giúp đỡ nhau. Ấy thế mà cả đời vẫn chỉ ngược xuôi tất bật. Người lao động trước đây cũng vậy, suốt đời vất vả ngược xuôi, cần cù làm lụng mà vẫn cơ cực nghèo khổ. Họ quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, một nắng hai sương với đồng ruộng cây lúa mà nghèo vẫn hoàn nghèo.
Hình ảnh con cò, con vạc là hình ảnh vô cùng quen thuộc trong ca dao. Bởi người lao động nhìn thấy sự gần gũi thân thiết đến kì lạ giữa cái hình dáng lũ nghêu gầy guộc, cái dáng lầm lũi một mình lặn lội của chúng với thân phận hẩm hiu bé nhỏ của mình. Thương thay hạc lánh đường mây,Chim bay mỏi cánh biết ngày nào thôi là thương cho cuộc đời phiêu bạt lận đận và những cố gắng vô vọng kiếm sống qua ngày mà người lao động đang trải qua. Hơn thế, con đường mưu sinh thật lắm gian truân, bất trắc, lực lượng vất vả đã đành, họ còn bị bao hiểm nguy rình rập. Quả là kiếp sống tội nghiệp đáng thương.
Có lẽ, đáng thương nhất vẫn là tiếng kêu não nùng, tiếng kêu rạc cổ khô họng, kêu ra máu của con cuốc giữa trời. Mặc dù ý thơ lấy từ sự tích vua Thục Đế đất nước, hận mà chết, biến thành con chim cuốc kêu ra rả suốt hè đến trào máu họng, nhưng nhân dân lao động xưa lại vận vào chính thân phận hèn kém của mình để nói lên nỗi bất công oan khuất. Song, những kẻ thấp cổ bé họng dù có kêu thấu trời cũng chẳng làm động lòng bọn thống trị nhẫn tâm, tàn ác. Họ chẳng có được sự cảm thông đồng điệu, sự công bằng soi tỏ. Như thế khác nào con cuốc cứ khắc khoải da diết mà phí công vô ích.
Người lao động xưa phải chịu nỗi khổ nhiều bề và tiếng kêu, tiếng than ai oán của họ thực sự khiến người đọc xúc động cảm thương. Trước mỗi hình ảnh bất hạnh đáng thương là mô-típ quen thuộc trong ca dao: mô-típ thương thay. Điệp ngữ ấy nối nhau kéo dài suốt tám dòng thơ diễn tả sự xót xa vô hạn, nỗi thương cảm dâng trào như những con sóng ập vào lòng người đọc. Đọc hết bài ca dao, ta nhận ra rằng, tác giả dân gian không phải chỉ thương thay, chỉ là người đứng bên cạnh cảm thông chia sẻ với những số phận bất hạnh, hẩm hiu mà đáng thương cho chính thân phận nghèo khổ bé mọn của mình
Hiện thực đen tối, tương lai mù mịt khiến nhân dân lao động xưa phải cất lên tiếng kêu, tiếng than ai oán. Ngày nay, cuộc sống chúng ta ấm no hạnh phúc vì có ánh sáng của Đảng, Cách mạng soi đường. Nhưng đọc những câu ca dao của một thời, chúng ta càng hiểu và đồng cảm với cha ông ta xưa, biết xót thương quá khứ, quý trọng cuộc sống hiện tại
câu 3
rong xã hội phong kiến xưa kia, quan niệm trọng nam khinh nữ đã biến cuộc đời người phụ nữ thành chuỗi bi kịch kéo dài. Biết than cùng ai, biết ngỏ cùng ai? Trời thì cao mà đất thì dày. Thôi thì đành giãi bày qua tiếng hát, lời ru chan chứa nước mắt:
Thân em như trái bần trôi,
Gió dập sóng dồi biết tấp vào đâu?
Xuất xứ câu ca dao này là ở miền Nam, xứ sở của sông ngòi, kênh rạch. Cây bần thường mọc ở ven bờ. Trái bần non có vị chua chua, chát chát, xát mỏng chấm mắm ăn thay rau. Trái già rụng xuống nước, bập bềnh trôi nổi theo sóng. Ngay cái tên gọi cũng chỉ rõ nó là loại cây tầm thường (bần: nghèo), chẳng có mấy giá trị.
Người phụ nữ chân lấm tay bùn nhìn trái bần trôi mà cám cảnh, thấy mình nào có khác chi? Trái bần trôi hoàn toàn phụ thuộc vào gió, vào sóng. Gió nhẹ, sóng êm thì từ từ thanh thản, chẳng may gió dập, sóng dồi thì cũng đành cam chịu cảnh ba chìm bảy nổi chín lênh đênh, biết tấp vào đâu? Vào bờ bến nào để đổi thay số phận?
Không được làm chủ bản thân, người phụ nữ buộc phải lâm vào cảnh: Cũng đành nhắm mắt đưa chân, Mà xem con tạo đưa vần đến đâu. Luật tam tòng khắc nghiệt trói buộc họ, biến họ thành những con người cam chịu định mệnh bất công: Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử và thực tế thì người phụ nữ đã bị xã hội khinh rẻ, coi thường. Đây là một trong những nguyên nhân gây ra mặc cảm tự ti từ bao đời nay ở người phụ nữ.
Có điều gì đó thật xót xa, buồn thảm trong hình ảnh so sánh: Thân em như trái bần trôi . Trái bần trôi dập dềnh theo dòng sông vô định, còn người phụ nữ nghèo thì cũng nổi trôi trong vòng đời vô định. Hiện thực nghiệt ngã, tương lai mờ mịt, không một chút vui, không một niềm hi vọng. Câu ca dao với hình tượng gợi cảm và âm điệu ngậm ngùi đã gợi lên số phận hẩm hiu đáng thương của người phụ nữ nghèo khổ trong xã hội phong kiến cũ.
Ta hãy thử hình dung trong tâm tưởng một trưa hè ở đồng bằng Nam Bộ, gió thổi lao xao trong rừng đước, rừng tràm; chợt nghe tiếng ru con vọng ra từ ngôi nhà nhỏ ven sông lẫn với tiếng võng đưa kẽo kẹt: Ầu ơ... Thân em như trái bần trôi, Gió dập sóng dồi biết tấp vào đâu? Câu hỏi vừa là nỗi băn khoăn muôn thuở không lời giải đáp, vừa là lời than thân trách phận buồn đến não nề. Nhìn những trái bần nổi chìm theo sóng, ta sẽ thấm thía và rúng động đến tận sâu thẳm tâm hồn trước lời ru rưng rưng nước mắt của những người phụ nữ lao động nghèo khó trong một quá khứ chưa xa.
câu 4 Kho tàng ca dao dân ca của nước Việt ta vô cùng phong phú và độc đáo. Nó phản ánh rất rõ tâm tư tình cảm và đời sống sinh hoạt của người dân lao động nước ta. Ca dao có những câu hát trữ tình nhưng cũng có những câu hát châm biếm hướng vào những thói hư tật xấu của con người. Bài ca dao dưới đây là một bài như thế:
Cái cò lặn lội bờ ao
Hỡi cô yếm đào lấy chú tôi chăng?
Chú tôi hay tửu hay tăm
Hay nước chè đặc hay nằm ngủ trưa
Ngày thì ước những ngày mưa
Đêm thì ước những đêm thừa trống canhNhững câu hát châm biếm là sự biểu hiện khá tập trung những nét đặc sắc của nghệ thuật trào lộng dân gian. Nó thường sử dụng các hình ảnh ẩn dụ, tượng trưng, các biện pháp nói ngược, phóng đại để lập ý nhằm phơi bày và phê phán những thói hư tật xấu như tham ăn, lười làm, hay ngủ, mải chơi... trong dân gian. Bài ca dao này là một bài ca phê phán người lười. Nó có cách đặt vấn để rất hay và độc đáo:
Cái cò lặn lội bờ ao
Hỡi cô yếm đào lấy chú tôi chăng?Hai câu đầu vừa là lời giới thiệu lại vừa giống một câu đưa đấy dẫn mối. Tác giả dân gian giới thiệu cô gái nọ, một cô gái xinh đẹp nết na (nghĩa ẩn dụ của yếm đào và chịu thương chịu khó (thân cò lặn lội). Nhưng không phải là chỉ lời giới không. Lời giới thiệu ấy hướng đến một cái đích khác (lấy chú tôi chăng). Lời dẫn mối ấy khiến người đọc và cả cô gái kia nữa phải tò mò, phải tìm hiểu ngay xem người chú là một trang nam tử ra sao? Và thế là lời ca dao lại tiếp tục rất tự nhiên và liền mạch:
Chú tôi hay tửu hay tăm
Hay nước chè đặc hay nằm ngủ trưaĐọc đến đây người đọc đã thấy thật ngỡ ngàng. Hoá ra hai câu đầu không phải là lời dẫn mối. Nó chỉ là bước đệm cho cái ý định châm biếm mà thôi. Tưởng rằng người chú thế nào hoá ra lại là một anh rượu chè đủ cả, mà không chỉ nghiện rượu không, anh còn hay ngủ. Một cô gái thông minh chắc đã nhận ra một anh chồng mê rượu tăm, chè đặc và lại ham ngủ ngay giữa ban ngày thì anh chồng ấy chắc chắn chẳng bao giờ là một người đáng yêu đáng lấy.
Nhưng không chỉ thế, cái bản chất của anh còn được giới thiệu rõ hơn thêm:
Ngày thì ước những ngày mưa
Đêm thì ước những đêm thừa trống canhVậy là đã quá rõ rồi. Một anh mà cả ngày lần đêm đều cứ nghĩ, cứ ước đến chuyện ăn, chuyện ngủ thì chắc chắn là một anh lười đích thực và nhất quyết không thể chọn làm chồng cho được. Bài ca dao khép lại cũng chính là lời phủ định mạnh mẽ, sâu xa.
Có thể nói những câu hát châm biếm dân gian là những nụ cười dí dỏm. Nó không nhằm vùi dập đối tượng nhưng nó làm cho đối tượng phải xấu hổ mà tự thay đổi bản chất đi. Chính vì thế mà những câu hát châm biếm dân gian đã góp phần làm trong sạch xã hội con người.