Đọan sông Như Nguyệt nơi Lý Thường Kiệt chọn xây dựng phòng tuyến có vị trí chiến lược quan trọng với nhiều bến đò ngang như Dũng Liệt, Phù Cầm, Phù Yên, Lương Cầm, Đẩu Hàn, Thị Cầu… Chiến luỹ được xây dựng bằng đất có đóng cọc tre dày mấy tầng làm dậu. Dưới bãi sông được bố trí nhiều hố chông ngầm tạo thành một phòng tuyến vững chắc. Quân binh nhà Lý đóng thành từng doanh trại trên suốt chiến tuyến, đặc biệt là tập trung tại các trại Như Nguyệt, Thị Cầu và Phấn Động, mỗi trại binh có thêm thuỷ quân phối hợp, vị trí có thể cơ động chi viện nhiều hướng và khống chế mọi ngả đường tiến về Thăng Long. Trận chiến trên phòng tuyến sông Như Nguyệt là trận đánh lớn có ý nghĩa quyết định trong cuộc chiến chống quân xâm lược Tống của quân và dân Đại Việt, đánh bại hoàn toàn ý chí xâm lược Đại Việt của triều đình nhà Tống, đặt dấu mốc quan trọng cho một thời kỳ thịnh trị, tự chủ của triều đình phong kiến Đại Việt sau “đêm dài Bắc thuộc”. Hơn 900 năm đã trôi qua, dòng Như Nguyệt xưa đã dần thu hẹp dòng chảy, nhưng dấu tích đền Can Vang, bãi Miễu, đền Phấn Động nơi diễn ra trận phản công dữ dội của quân binh nhà Lý chống trả trận tập kích vượt sông của quân Tống vẫn còn đó. Tại thôn Thọ Đức, nhiều trại đóng quân lớn được vua tôi nhà Lý thiết lập, hiện vẫn còn dấu tích trong lòng đất và trong truyền kể của người dân địa phương như trại Chĩnh, trại Chùa, trại Quýt, kho gạo ở dốc Gạo, kho tiền ở dốc Bạc, đền Can Vang với hai toà thượng điện và trung điện, đình Thọ Đức kiến trúc hình chữ công gồm hai toà hậu cung và trung đình. Tại khu di tích đã phát hiện di chỉ đồ đồng Nội Lâm năm 1973, di chỉ Quả Cảm với dao găm đồng, rìu đồng, khuyên tai bằng đá, quả cân đá, bàn mài đá. Chùa Tháp Linh hiện còn 11 pho tượng gỗ cổ có giá trị về mặt điêu khắc, trong đó nổi bật là pho tượng Quan Âm biến thế sơn son thếp vàng lộng lẫy. Ông Trần Thọ Dư, Trưởng Ban quản lý di tích thôn Phấn Động cho biết, năm 2000 khi tiến hành trùng tu đền Thượng, địa phương đã phát hiện một ngôi mộ cổ, hài cốt đựng trong chiếc chum sành, nắp đậy bằng chiếc chậu đồng xung quanh là lớp nền gạch mỏng. Ngay sau đó, Ban quản lý di tích đã chôn cất lại và cho xây lăng cẩn thận. Hàng năm vào dịp kỷ niệm chiến thắng sông Như Nguyệt, chính quyền các xã Tam Giang, Tam Đa và huyện Yên Phong đều tổ chức lễ hội, tái hiện một phần những chiến công oanh liệt của quân và dân Đại Việt xưa, qua đó nhằm giáo dục truyền thống, khơi dậy niềm tự hào tự tôn dân tộc trong lòng mỗi người dân đất Việt.