Phan Huy Chú (1782-1840), người làng Thụy Khuê huyện Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây (nay là Hà Tây), là nhà bác học lớn, danh nhân văn hóa của Việt Nam thế kỷ 19. Cuốn "Lịch triều hiến chương loại chí" của ông là một công trình khoa học đồ sộ, khảo cứu nhiều bộ môn, được đánh giá là bộ bách khoa toàn thư về Việt Nam. Ông còn để lại nhiều tác phẩm có giá trị khác như Hoàng Việt dư địa chí, Hoa thiều ngâm lục... Phan Huy Chú tự là Lâm Khanh, hiệu Mai Phong, sinh vào mùa đông năm Nhâm Dần 1782, mất năm 1840. Ông là con trai thứ ba Phan Huy ích, thân mẫu là bà Ngô Thị Thục, em gái Ngô Thì Nhậm. Phan Huy Chú sinh ra và lớn lên ở Thụy Khuê, tục gọi là làng Thày. Vốn thông minh, sớm có chí học tập, tìm tòi, lại được sự dạy dỗ cẩn thận của gia đình, nên Phan Huy Chú học giỏi nổi tiếng cả vùng Quốc Oai, Sơn Tây (nay là Hà Tây). Tuy học giỏi song Phan Huy Chú, hai lần đi thi đều chỉ đỗ tú tài nên người ta gọi là ông "Kép Thầy". Không đứng trong hàng khoa bảng nhưng thực học, thực tài của Phan Huy Chú vẫn nức tiếng xa gần. Năm 1821, vua Minh Mệnh có triệu Phan Huy Chú vào Huế giữ chức Hàn lâm biên tu. Năm 1825, ông được xung sứ bộ sang Trung Quốc. Năm 1828, thăng Phủ thừa phủ Thừa Thiên. Năm 1829, được điều làm Hiệp trấn Quảng Nam, sau đấy bị giáng. Năm 1831, lại được cử sang sứ Trung Quốc. Khi trở về, do cả đoàn sứ bộ phạm tội "lộng quyền", Phan Huy Chú bị cách chức. Năm sau, Phan Huy Chú bị Minh Mệnh bắt đi hiệu lực ở Giang Lưu Ba (thuộc Indonesia ngày nay), tức là đi phục vụ cho một sứ bộ làm công việc buôn bán đường biển giữa triều Nguyễn và Nam Dương. Xong nhiệm vụ trở về, Phan Huy Chú được khôi phục giữ chức Tư vụ bộ Công nhưng đã chán cuộc đời làm quan, ông mượn cớ đau yếu xin về nghỉ và dạy học ở Thanh Mai, huyện Tiên Phong, Sơn Tây (nay là xã Vạn Thắng, huyện Ba Vì, Hà Tây) rồi mất tại đó. Cuộc đời làm quan của Phan Huy Chú rất buồn chán và lận đận. Nhưng về phương diện văn hóa Phan Huy Chú có một cống hiến rất lớn. Ông đã để lại cho dân tộc một công trình khoa học đồ sộ, đó là bộ "Lịch triều hiến chương loại chí". Ngoài ra, Phan Huy Chú còn có các tác phẩm: "Hoàng Việt dư địa chí", viết về địa lý nước ta thời Nguyễn. Năm 1838, sách này được in ở hai nơi là Hội văn đường và Quảng văn đường. Năm 1897, Tụ văn đường tái bản. "Hoa thiều ngâm lục", là tập thơ Phan Huy Chú làm lần đi sứ thứ nhất, gồm 2 quyển. Quyển thượng có 1 bài tựa của tác giả, 161 bài thơ và 3 bài phú. Quyển hạ có 114 bài thơ, 1 bài phú và 8 bài từ. "Hoa trình ngâm lục", là tập thơ Phan Huy Chú sáng tác lần đi sứ thứ hai, gồm 127 bài. "Dương trình ký kiến" (ghi chép những điều mắt thấy trong cuộc hành trình trên biển), viết lúc đi hiệu lực ở Indonesia, sách này bị thất truyền. "Nam trình tạp ngâm", làm năm 1821 trên đường từ Sơn Tây vào Huế nhận chức, cũng bị mất. Sự nghiệp trước tác lớn nhất của Phan Huy Chú là bộ "Lịch triều hiến chương loại chí". Ông đã bỏ ra 10 năm (1809-1819) để hoàn thành bộ sách này, tức là bộ sách được khởi thảo lúc Phan Huy Chú 27 tuổi. Năm 1821 khi làm "Hàn lâm biên tu", Phan Huy Chú dâng "Lịch triều hiến dương loại chí" lên Minh Mệnh, được Minh Mệnh thưởng 30 lạng bạc, 1 chiếc áo sa, 30 cái bút, 30 thoi mực. "Lịch triều hiến dương loại chí" là một bộ sách gồm 10 chí, ghi chép 10 bộ môn được phân loại, khảo cứu một cách hệ thống theo trình tự sau: Dư địa chí: Nghiên cứu sự thay đổi về bờ cõi đất đai qua các đời, sự khác nhau về phong thổ của các địa phương. Nhân vật chí: Nói về tiểu truyện của các vua chúa, những người có công lao xây dựng các triều đại, những tướng lĩnh có danh tiếng, những trí thức có đức nghiệp. Quan chức chí: Bao quát việc đặt quan chức ở các đời, sự thay đổi tên các quan chức, chức vụ ở các ty, chế độ ban cấp bổng lộc, chế độ bổ dụng quan lại... Lễ nghi chí: Chế độ áo, mũ, xe kiệu của vua chúa, chế độ phẩm phục, võng kiệu của quan lại, lễ thờ cúng, tang ma, lễ sách phong, tế cáo... Khoa mục chí: Đại cương về phép thi cử các đời, thể lệ các kỳ thi... Quốc dụng chí: Việc làm sổ hộ khẩu, phép thu thuế, đánh thuế, chế độ ruộng đất, tiền tệ... Hình luật chí: Khái quát về việc định luật lệ các đời, các loại luật... Binh chế chí: Nghiên cứu việc đặt các ngạch quân, phép tuyển chọn quân lính, chế độ lương bổng, quân trang, quân dụng, phép thi võ... Văn tịch chí: Nói về tình hình sách vở, trước tác của các đời. Bang giao chí: Chép việc bang giao các đời, nghi lễ đón tiếp sứ thần các nước.. Qua tóm tắt cấu tạo sách "Lịch triều hiến chương loại chí", ta thấy dung lượng thông tin của nó rất lớn. Đây là một bộ lịch sử văn hiến đồ sộ, một pho bách khoa thư của đất nước. Nhà nghiên cứu lịch sử Việt Nam G.P.Muraseva đánh giá: ""Lịch triều hiến chương loại chí" là một bộ sách xứng đáng được gọi là bộ bách khoa toàn thư về cuộc sống Việt Nam. Công trình này thực tế không có công trình nào sánh nổi về bề rộng của phạm vi các vấn đề trong khoa lịch sử sử học Việt Nam thời phong kiến". 10 bộ môn trong công trình của Phan Huy Chú là 10 lĩnh vực khoa học riêng. Nếu chia theo ngành khoa học, chúng ta thấy tập trung ở Phan Huy Chú: nhà sử học, nhà địa lý học, nhà nghiên cứu pháp luật, nhà nghiên cứu kinh tế, nhà nghiên cứu giáo dục, nhà nghiên cứu quân sự, nhà thư tịch học, nhà phê bình văn học, nhà nghiên cứu văn hóa, sử. Lĩnh vực này Phan Huy Chú cũng tỏ ra uyên bác và có những quan điểm sâu sắc. Với sự phân loại, hệ thống hóa từng bộ môn như thế, "Lịch triều hiến chương loại chí" đánh dấu một bước phát triển cao của thành tựu khoa học nước nhà hồi đầu thế kỷ 19. Qua "Lịch triều hiến chương loại chí", chúng ta thấy Phan Huy Chú là một nhà bác học có lòng yêu nước thiết tha, có một ý thức dân tộc mạnh mẽ. Phan Huy Chú là một danh nhân văn hóa đại biểu cho truyền thống khoa học tốt đẹp của đất nước. Ông đã nêu một tấm gương sáng về tinh thần say mê lao động sáng tạo khoa học, cống hiến cho đất nước một công trình học thuật có giá trị to lớn. Với công lao đó, Phan Huy Chú xứng đáng được xếp vào số không nhiều các nhà bác học lớn của Việt Nam thời xưa. |