Những đóng góp của chữ quốc ngữ vào văn hóa Việt Nam
Trong báo cáo toàn văn được đọc tại Hội thảo, GS TS Nguyễn Thiện Giáp đã nêu lên vai trò của chữ quốc ngữ như sau:
- Chữ quốc ngữ là cơ sở để mở rộng chức năng của tiếng Việt, nó vươn lên thành ngôn ngữ chính thức của quốc gia. Nó được dùng trong hành chính, ngoại giao, giáo dục. Nó là công cụ bảo tồn và phát triển văn hóa Việt Nam.
- Chữ quốc ngữ là cơ sở để tiếng Việt phát triển. Về mặt từ vựng, chữ quốc ngữ đã giúp tạo ra những từ mới nhằm hỗ trợ việc diễn đạt tư duy trong chiều sâu và đỉnh cao của nó. Về ngữ pháp, dấu chấm câu mà chữ quốc ngữ du nhập vào Việt Nam đã góp phần tích cực vào việc sáng tạo các câu văn viết một cách sáng sủa, mạch lạc…, điều mà chữ Nôm trước đây không có. Chữ quốc ngữ đã giúp diễn đạt tư duy logic, thể hiện những tư tưởng khoa học cách trọn vẹn hoàn hảo. Về mặt âm, chữ quốc ngữ giúp xác định chính âm cho tiếng Việt, tạo sự thống nhất chữ viết trong toàn lãnh thổ Việt Nam, cho dẫu Việt Nam có nhiều phương ngữ và nhiều dân tộc thiểu số.
- Chữ quốc ngữ là cơ sở để phát triển nền quốc học lên một tầm cao mới. Căn cứ vào di sản Hán Nôm Việt Nam5, chúng ta chỉ có vỏn vẹn 5038 quyển, trong đó có những quyển trùng nhau, nhiều quyển không mấy giá trị… Nếu làm một cuộc so sánh với nền quốc học được ghi bằng chữ quốc ngữ hiện nay, thì dù chỉ trong một thời gian ngắn, chữ quốc ngữ đã vượt hẳn và làm cho nền quốc học phong phú biết chừng nào.
Mặc dù chữ quốc ngữ đã tạo nền cho tiếng Việt phát triển đến đỉnh cao, nhưng tiếng Việt vẫn không được gọi là “ngôn ngữ quốc gia”, mà các văn bản của nhà nước chỉ gọi tiếng Việt và chữ quốc ngữ là tiếng và chữ phổ thông. Mãi cho đến Hiến pháp năm 2013, trong điều 5 mới xác định: “Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt”, và điều này khiến chúng ta hiểu ngầm rằng “chữ quốc ngữ là chữ biểu thị ngôn ngữ tiếng Việt sẽ là chữ quốc ngữ với nghĩa đầy đủ và trọn vẹn của nó”.