Nguyên nhân:
Sau hai trận thăm dò và thử sức lực lượng phòng thủ của nhà Nguyễn ở Đà Nẵng (Quảng Nam) vào ngày 15 tháng 4 năm 1847 và ngày 26 tháng 9 năm 1857, một ủy ban có tên là Commission de la Cochinchine do Nam tước Brenien đứng đầu [2]đã đệ trình và đã được Hoàng đế Napoléon III chấp thuận, chọn Đà Nẵng làm điểm khởi đầu trong kế hoạch đánh chiếm Việt Nam. Bởi Đà Nẵng là một hải cảng sâu và rộng, thuận tiện cho tàu chiến vào ra, lại nằm trên trục đường Bắc – Nam, có thể sang Lào, Căm Bốt và chỉ cách kinh đô Huế khoảng 100km, rất thuận lợi cho việc "đánh nhanh thắng nhanh" của liên quân Pháp - Tây Ban Nha (gọi tắt là liên quân). Ngoài ra, Đà Nẵng còn có cánh đồng Nam – Ngãi để nuôi quân, còn có nhiều giáo sĩ và giáo dân thân Pháp.
Cho nên đánh chiếm được Đà Nẵng, vượt đèo Hải Vân, rồi tấn công Huế; chính là con đường ngắn nhất, nhanh chóng nhất, ít hao tốn tiền của và nhân lực nhất để thực hiện được ý đồ của Pháp và Tây Ban Nha. Tuy nhiên, phải chờ đến sau Hiệp ước Thiên Tân (28 tháng 6 năm 1858) được ký kết, quân đội Pháp ở Viễn Đông mới có thể rảnh tay chuyển sang mặt trận khác…
Diễn biến:
Ngày 31 tháng 8 năm 1858, thực dân Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam. Hải quân Pháp do Genoully (phía Pháp) và Palnanca (phía Tây Ban Nha) chỉ huy tấn công cảng Đà Nẵng bằng thuyền chiến và tập kết quân ở Sơn Trà.
Ngày 1 tháng 9 năm 1858, Genoully gửi tối hậu thư buộc trấn thủ Trần Hoàng đang giữ Đà Nẵng trong hai giờ phải giao nộp cho quân Pháp tỉnh này. Nhưng chưa tới hạn, Genoully ra lệnh bắn phá đồn Điện Hải, An Hải. Triều đình Huế nghe tin căng thẳng ở Đà Nẵng, Tự Đức cử ngay Nguyễn Tri Phương tổng chỉ huy mặt trận đem quân giải quyết căng thẳng. Nguyễn Tri Phương cho quân đào hào, sơ tán dân, lập một hàng rào vây ở mé biển để quân Pháp ở Sơn Trà bí ở Sơn trà. Suốt 5 tháng vây hãm, cái đói và nóng nực đã khiến quân Pháp mệt mỏi, Pellerin khuyên Genoully đưa quân ra Bắc sẽ có giáo dân giúp nhưng luận điệu giáo dân giúp chỉ làm Genoully bực bội.
Ngày 2 tháng 2 năm 1859, Genoully để lại một số tiểu đoàn chống cự quân Nguyễn Tri Phương ở Đà Nẵng còn lại theo đường biển từ Vũng Tàu ven theo tiến vào Gia Định.