Năm 1777, Nguyễn Nhạc tự xưng là Tây Sơn vương, phong Nguyễn Huệ là phụ chính và xây thành Đồ Bàn làm thủ phủ, sau đó sai người ra Bắc xin vua Lê - chúa Trịnh cho trấn thủ đất Quảng và cử Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ đem quân đánh Gia Định. Quân Nguyễn bị đánh bại ở khắp nơi, chúa Nguyễn Phúc Thuần và Hoàng Tôn Nguyễn Phúc Dương đều bị giết. Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ cho người ở lại giữ thành Gia Định. Một người cháu Nguyễn Phúc Khoát là Nguyễn Ánh vẫn nuôi chí khôi phục nhà Nguyễn nên chạy sang Xiêm xin cầu viện.
Tháng 1 năm 1785, Nguyễn Huệ quyết chiến với quân Xiêm trên sông Mỹ Tho đoạn Rạch Gầm - Xoài Mút, quân Xiêm bị đánh tan tác chỉ còn vài ngàn quân chạy bộ về nước. Trên đà thắng lợi đó năm 1786, Tây Sơn vương Nguyễn Nhạc sai Nguyễn Huệ đem quân ra thành Thuận Hóa đánh chúa Trịnh với danh nghĩa phù Lê diệt Trịnh. Sau khi đánh bại thành Thuận Hóa quân Tây Sơn tiến ra Bắc Hà đánh vào Nam Định, Phố Hiến, vào thành Thăng Long lật đổ chính quyền họ Trịnh, Nguyễn Huệ trao quyền hành lại cho vua Lê, được vua Lê Hiển Tông phong tước Uy Quốc Công và gả con gái là Lê Ngọc Hân.
Sau khi từ Bắc Hà trở về, tháng 4 năm 1787 Nguyễn Nhạc chia vùng đất phía Nam ra làm ba:
- Từ đèo Hải Vân trở ra Bắc thuộc Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ
- Đất Gia Định thuộc Đông Định Vương Nguyễn Lữ
- Nguyễn Nhạc đóng đô ở Quy Nhơn xưng là Trung Ương hoàng đế.
Nguồn: Tóm tắt niên biểu lịch sử Việt Nam
Đại cương lịch sử Việt Nam
Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút (1785)
Giữa năm 1784, với ý đồ thôn tính vùng đất Gia Định, vua Xiêm Chakri I, lợi dụng sự cầu viện của Nguyễn Ánh, đã cử hai tướng Chiêu Tăng và Chiêu Sương chỉ huy 5 vạn quân và 300 thuyền chiến, chia làm hai đạo thủy-bộ cùng tiến sang xâm lược. Đạo quân thủy gồm 2 vạn và 300 thuyền chiến vượt biển đổ bộ lên Rạch Giá (Kiên Giang); đạo quân bộ gồm 3 vạn tiến qua nước Chân Lạp, nhằm thực hiện việc hội quân ở Trấn Giang (Cần Thơ) để sau đó tiến đánh thành Gia Định. Nguyễn Ánh và quân bản bộ cũng theo gót quân giặc trở về. Quân Xiêm đi đến đâu là đốt phá, cướp của, giết người đến đó, gây nên nhiều tội ác.
Trước tình hình đó, tướng Tây Sơn ở Gia Định là Trương Văn Đa vừa tổ chức chiến đấu nhằm thăm dò và tiêu hao sinh lực của địch, vừa rút lui từng bước để bảo toàn lực lượng, giữ vững thành Mỹ Tho và thành Gia Định.
Tại Quy Nhơn, bộ chỉ huy quân Tây Sơn theo dõi chặt chẽ hoạt động của quân Xiêm và tích cực chuẩn bị lực lượng để quét sạch bọn xâm lược. Nguyễn Huệ nhận lãnh trách nhiệm tổ chức cuộc phản công chiến lược này.
Cuối năm 1784, quân Xiêm tiến đến sông Tiền, đóng quân từ rạch Trà Lọt (Cái Bè) đến rạch Trà Tân (Cai Lậy), chuẩn bị tấn công Mỹ Tho.
Cũng vào thời điểm này, quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy, vượt biển tiến vào Mỹ Tho. Sau khi xem xét tình hình quân địch và địa bàn sông nước, Nguyễn Huệ quyết định chọn đoạn sông Tiền từ Rạch Gầm đến rạch Xoài Mút làm trận địa quyết chiến với quân Xiêm. Đoạn sông này dài khoảng 7km, ở giữa có cù lao Thới Sơn, hai bên bờ sông cây cối um tùm, cách Mỹ Tho khoảng 12km. Nguyễn Huệ đã cho bố trí một trận địa mai phục lớn ở tại đây. Thủy quân được giấu trong các con rạch. Bộ binh và pháo binh được bố trí trên bờ và ở cù lao giữa sông.
Đêm ngày 18 rạng ngày 19 tháng 1 năm 1785 (tức đêm mùng 8 rạng ngày mùng 9 tháng Chạp năm Giáp Thìn), nhân lúc nước thủy triều lên, Nguyễn Huệ cho chiến thuyền tấn công khiêu khích quân địch. Sau một hồi chiến đấu, chiến thuyền Tây Sơn giả vờ thua bỏ chạy. Hai tướng giặc huy động toàn bộ lực lượng đuổi theo và lọt vào trận địa mai phục của quân Tây Sơn. Sau đợt công kích phủ đầu bằng pháo binh, quân thủy - bộ Tây Sơn đồng loạt xông ra, chia cắt đội hình của quân địch và tấn công. Quân Xiêm hoàn toàn bị rối loạn, không còn khả năng chống trả. Toàn bộ chiến thuyền của giặc bị đánh chìm. Quân Xiêm bị tiêu diệt gần hết, chỉ còn một số ít thoát được theo đường bộ trốn chạy về nước; Nguyễn Ánh cũng theo đám tàn quân chạy sang Xiêm. Sử triều Nguyễn ghi:“Kể từ sau trận Giáp Thìn, người Xiêm sợ quân Tây Sơn như sợ cọp”.
Trận thủy chiến Rạch Gầm - Xoài Mút là một trận đánh mai phục kết hợp với bao vây tiêu diệt. Muốn mai phục được ở một vùng đất có dân như ở Rạch Gầm - Xoài Mút thì vấn đề cốt lõi đầu tiên là phải nắm được lòng dân. Nơi ẩn náu kín đáo nhất và lợi hại nhất của quân Tây Sơn không phải là địa hình hiểm trở mà chính là lòng dân. Nhân dân Tiền Giang đã một lòng theo Tây Sơn, biểu hiện qua việc hướng dẫn quân Tây Sơn đi trinh sát địa bàn, cung cấp về tình hình sông nước, thủy triều để thiết lập trận địa mai phục và lên phương án tác chiến; đồng thời, nhân dân đã giữ bí mật trận địa mai phục đến phút chót khiến quân địch không mảy may nghi ngờ. Bên cạnh đó, nhân dân còn đóng góp lương thực, thực phẩm và các vật dụng, như dầu mù u, vỏ dừa khô v.v … để nghĩa quân chiến đấu tiêu diệt giặc Xiêm.
Thắng lợi của trận thủy chiến Rạch Gầm-Xoài Mút không chỉ là thắng lợi của quân Tây Sơn mà còn là thắng lợi của nhân dân.
Lần đầu tiên trong lịch sử, nhân dân Nam bộ, trong đó có nhân dân Tiền Giang, cùng với quân Tây Sơn, dưới sự lãnh đạo tài ba của Nguyễn Huệ đã đánh bại sự xâm lược hung hãn của bọn phong kiến Xiêm, giữ vững nền độc lập dân tộc và sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ thành quả khai hoang của nhân dân Nam bộ.
Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút đánh dấu một bước ngoặt cơ bản, một sự chuyển biến về chất của phong trào nông dân Tây Sơn: từ cuộc đấu tranh giai cấp, phong trào đã nhận lãnh sứ mệnh lịch sử vẻ vang là đi đầu trong cuộc đấu tranh dân tộc. Chính điều này đã làm cho uy tín của phong trào Tây Sơn ngày càng được nâng cao trong nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi cho phong trào và nhân dân Bắc Hà đánh bại cuộc xâm lược của ngót 30 vạn quân Thanh vào năm 1789.