Bốn câu thơ cuối bài "Quê hương" của Tế Hanh đã thể hiện nỗi nhớ quê hương da diết của tác giả:
"Nay xa cách lòng tôi luôn tưởng nhớ
Màu nước xanh, cá bạc, chiếc buồm vôi,
Thoáng con thuyền rẽ sóng chạy ra khơi,
Tôi thấy nhớ cái mùi nồng mặn quá!"
Ở câu thơ mở đầu, ta có thể hình dung ra ngay hoàn cảnh tác giả viết bài thơ: xa quê, nhớ quê da diết, chính điều đó đã trở thành mạch nguồn cảm xúc để làm thơ. Nhà thơ luôn tưởng nhớ về: màu nước xanh, cá bạc, chiếc buồm vôi, con thuyền, mùi nồng mặn. Đây đều là những hình ảnh thân thuộc của quê hương: màu nước xanh của biển, màu sáng bạc của cá, chiếc buồm vôi nhỏ bé... tất cả đã trở thành kỉ niệm, luôn vẫy gọi nhà thơ, là những kỉ niệm đã gắn liền với cuộc đời. Phép liệt kê đã cho thấy tình yêu quê hương luôn thường trực trong tâm hồn tác giả. Đối với Tế Hanh, "màu nước bạc, chiếc buồm vôi" là những hình ảnh cụ thể nhưng cũng chính là biểu tượng của quê hương. "Mùi nồng mặn" đâu chỉ là mùi mặn mòi của biển, nó còn là hương vị của quê hương. Dường như sự vật nào cũng mang linh hồn quê hương khiến cho người con xa quê luôn xao xuyến mỗi khi tưởng nhớ đến.