Cuộc duy tân Minh Trị là cuộc cải cách theo hướng tư bản chủ nghĩa cuối thế kỉ 19 - đầu thế kỉ 20, dưới ngọn cờ của Thiên hoàng Minh Trị. Sau khi chính quyền phong kiến Mạc phủ Tokugawa bị lật đổ, Thiên hoàng trực tiếp nắm quyền cai trị đất nước.
Đầu năm 1868, Thiên hoàng công bố "Chính thể thư", một văn kiện có tính chất cương lĩnh của đường lối duy tân Nhật Bản. Thực hiện chủ trương trên, nước Nhật đã thống nhất về mặt hành chính dưới quyền lãnh đạo của chính phủ trung ương. Ranh giới cát cứ giữa các công quốc bị thủ tiêu, các tước hiệu phong kiến đều bị xoá bỏ. Luật pháp quy định chính sách và quyền tự do mua bán ruộng đất, tự do mua bán nông phẩm. Thương nghiệp phát triển nhanh nhờ thống nhất thị trường, xoá bỏ độc quyền, thành lập ngân hàng và mở rộng ngoại thương. Công nghiệp được khuyến khích bằng các biện pháp như nhà nước cho tư nhân vay vốn hoặc bán chịu trả dần đối với những xí nghiệp loại vừa và nhỏ. Thực hiện chế độ giáo dục bắt buộc đối với trẻ em, đưa nội dung khoa học và kĩ thuật ứng dụng vào chương trình đào tạo, cử người đi nghiên cứu và học tập ở nước ngoài. Chú trọng xây dựng lực lượng quân sự, trang bị và huấn luyện quân đội theo kiểu phương Tây, tổ chức hải quân và tăng cường sản xuất vũ khí. "Hiến pháp 1889" quy định Nhật Bản theo chính thể quân chủ lập hiến. Mặc dù không triệt để, duy tân Minh Trị có ý nghĩa như một cuộc cách mạng tư sản, đưa Nhật Bản tiến lên chủ nghĩa tư bản. Với thắng lợi của hai cuộc chiến tranh Trung - Nhật (1894 - 95) và Nga - Nhật (1904 - 05), Nhật Bản bước vào hàng ngũ các nước đế quốc. Cuộc duy tân Minh Trị có ảnh hưởng lớn đến phong trào yêu nước ở Trung Quốc, Việt Nam và các nước Đông Nam Á.