1/
Sau khi đàn áp cuộc khởi nghĩa dân tộc Ấn Độ, thực dân Anh thi hành một số biện pháp củng cố và tăng cường ách thống trị của chúng. Năm 1858 Nghị viện Anh giải tán hoàn toàn Công ty Đông Ấn Độ và đặt Ấn Độ dưới quyền cai trị trực tiếp của chính phủ. Thay mặt chính phủ Anh ở Ấn Độ là một viên Phó vương với một hội đồng điều hành gồm 5 ủy viên, có quyền lực như một chính phủ. Quyền lập pháp cũng ở trong tay Phó vương và một hội đồng cố vấn 12 người. Để lôi kéo bọn phong kiến, chúng tuyên bố tôn trọng quyền lợi, danh dự, tài sản và các đặc quyền của quý tộc, thực chất là hợp pháp hóa chế độ đẳng cấp và các tàn dư trung cổ lỗi thời, khơi sâu sự cách biệt về chủng tộc và tôn giáo trong xã hội Ấn Độ. Chúng tăng cường lực lượng quân đội, cứ 2 - 8 lính Ấn thì có một lính Anh. Pháo binh và các ngành kỹ thuật quân sự ở trong tay thực dân Anh. Năm 1877, nữ hoàng Anh Victôria chính thức tuyên bố lên ngôi vua ở Ấn Độ trong một buổi lễ có đông đảo quý tộc người Ấn tham gia. Nó đánh dấu bước hoàn thành việc chinh phục Ấn Độ thành thuộc địa của Anh và bộc lộ rõ thái độ quy phục của giai cấp phong kiến Ấn Độ.
Ấn Độ trở thành một thị trường tiêu thụ quan trọng nhất của nền công nghiệp Anh. Trong 10 năm từ 1873-1883, thương mại giữa Anh và Ấn Độ tăng 60% trong khi thương mại giữa Anh, Pháp và Đức chỉ tăng 7%. Ấn Độ phải tăng cường cung cấp lương thực và nguyên liệu cho Anh. Cuộc cải cách tiền tệ năm 1893-1899 với đồng Rupi vàng và việc mở mang hệ thống ngân hàng Anh làm cho nền tài chính Ấn Độ hoàn toàn lệ thuộc vào Anh. Ấn Độ còn là thị trường đầu tư của tư bản Anh. Ban đầu, hình thức xuất vốn chủ yếu là cho vay. Từ năm 1856-1900, ngân hàng Luân Đôn cho bọn cầm quyền Anh ở Ấn Độ vay tăng từ 4 triệu lên 133 triệu livrơ để chi phí vào bộ máy hành chính và quân đội, vào những cuộc chiến tranh ăn cướp các nước phương Đông. Toàn bộ món nợ và số lãi đều đè lên vai quần chúng nhân dân thuộc địa. Một phần vốn xuất cảng được dùng vào việc xây dựng đường sắt và các phương tiện giao thông liên lạc để tạo điều kiện khai thác và vận chuyển nguyên liệu ra bến cảng đưa về Anh. Những đường tàu kéo dài đến vùng hẻo lánh còn có ý nghĩa quan trọng đối với việc chuyển quân nhanh chóng, kịp thời đàn áp phong trào đấu tranh của nhân dân. Đến năm 1891, đường sắt Ấn Độ dài 27.000km. Một số xí nghiệp công nghiệp bắt đầu được xây dựng, chủ yếu là những ngành vải sợi, chế biến nguyên liệu địa phương như đay, bông...
Việc tăng cường xuất cảng nguyên liệu làm cho tính chất hàng hóa của nông nghiệp thêm đậm nét. Nhiều vùng được chuyên môn hóa sản xuất: Bengan trồng đay, Bombay và Trung Ấn trồng bông, Átxam trồng chè, Mađrat trồng cây có dầu, Penjap trồng tiểu mạch. Tính chất hàng hóa của nông nghiệp tăng lên trong điều kiện chế độ sở hữu phong kiến về ruộng đất vẫn được duy trì, bãi chăn nuôi, đất đai và rừng của công xã bị chiếm đoạt, nợ nần chồng chất buộc người nông dân phải gán mảnh đất cuối cùng của mình và chịu lĩnh canh với điều kiện nộp tô đến 60% hoa lợi. Tình trạng đó sẽ dẫn tới chỗ sức sản xuất bị sút kém, đời sống nông thôn khốn quẫn, nạn đói trở thành bệnh kinh niên.
3/
Để củng cố chính quyền mới, ngày 26-3-1871, một chính phủ cách mạng được bầu ra theo nguyên tắc phổ thông đầu phiếu. Cơ quan cao nhất của Nhà nước mới là Hội đồng Công xã. Hội đồng gồm nhiều uỷ ban, đứng đầu mỗi uỷ ban là một uỷ viên công xã, chịu trách nhiệm trước nhân dân và có thể bị bãi miễn.
Quân đội và bộ máy cảnh sát cũ bị giải tán, thay vào đó là lực lượng vũ trang nhân dân. Công xã tách nhà thờ ra khỏi những hoạt động của trường học và nhà nước, nhà trường không dạy Kinh Thánh.
Công xã còn thi hành nhiều chính sách tiến bộ : công nhân được làm chủ những xí nghiệp mà bọn chủ bỏ trốn ; đối với những xí nghiệp còn chủ ở lại, Công xã kiểm soát chế độ tiền lương, giảm bớt lao động ban đêm, cấm cúp phạt công nhân. Công xã đề ra chủ trương giáo dục bắt buộc và không mất tiền cho toàn dân, cải thiện điều kiện làm việc cho nữ công nhân.
Như vậy, cơ cấu tổ chức và hoạt động thực tế chứng tỏ công xã Pa-ri là một nhà nước khác hẳn các kiểu nhà nước của những giai cấp bóc lột trước đó. Đây là một nhà nước kiểu mới - nhà nước vô sản, do dân và vì dân.
Trong thời gian nhân dân Pa-ri nổi dậy, chính phủ tư sản phản động - đứng đầu là Chi-e, đã hoảng sợ rút chạy về Véc-xai với một số tàn quân. Thắng lợi của Công xã làm cho kẻ thù tức tối. Sau một thời gian tập hợp lực lượng và câu kết với quân Phổ, ngày 2-4-1871, quân đội của Chi-e tiến hành phản công, mở đầu cuộc nội chiến. Các chiến sĩ Công xã và nhân dân lao động Pa-ri đã thể hiện tinh thần anh dũng tuyệt vời khi chống trả kẻ thù, đặc biệt trong thời gian từ 21 - 5 đến 28 - 5 - 1871 mà lịch sử gọi là “Tuần lễ đẫm máu”. Do cuộc chiến đấu không cân sức, ngày 28 - 5, chiến luỹ cuối cùng của Công xã đã lọt vào tay kẻ thù.
Công xã Pa-ri chỉ tồn tại 72 ngày, nhưng để lại “một kinh nghiệm lịch sử có ý nghĩa vô cùng to lớn, một bước tiến nhất định của cách mạng vô sản trên thế giới” (Lê-nin).
Mặc dù thất bại, những chính sách mà Công xã đề ra đã thể hiện sự sáng tạo, hình thức nhà nước kiểu mới dựa trên cơ sở dân chủ vô sản và hoạt động vì lợi ích của đa số nhân dân lao động.