Đáp án đúng:
Giải chi tiết:a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận: có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Phân tích đoạn trích qua đó làm sáng tỏ hai ý kiến: Đoạn thơ có cái bay bổng, đậm màu sắc văn hoá dân gian, thể hiện cái nhìn mới mẻ, độc đáo của tư duy hiện đại:
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; có sự phân tích sâu sắc và vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng.
Thí sinh có thể triển khai bài làm theo nhiều cách nhưng phải đảm bảo những nội dung chính sau:
a. Vài nét về tác giả và tác phẩm và đoạn trích
- Nguyễn Khoa Điềm là một trong những gương mặt tiêu biểu của thơ ca Việt Nam thời chống Mĩ; thơ ông giàu chất suy tư, cảm xúc nồng nàn lắng đọng.
- Đất Nước là chương thứ V của trường ca Mặt đường khát vọng (1974). Tác phẩm hoàn thành năm 1971 khi tác giả đang ở chiến khu Trị Thiên; viết về sự thức tỉnh của tuổi trẻ vùng đô thị bị tạm chiếm miền Nam về non sông Đất Nước, về sứ mệnh của thế hệ mình.
- Đoạn trích thể hiện thái độ ca ngợi, biết ơn của tác giả đối với Nhân Dân – những con người đã góp phần tạo nên hình hài Đất Nước. Đây là một trong những trích đoạn đặc sắc, kết hợp nhuần nhuyễn giữa màu sắc văn hóa dân gian và tư duy hiện đại độc đáo, mới mẻ.
b. Giải thích ý kiến
- Đoạn thơ có cái bay bổng, đậm màu sắc văn hoá dân gian: Ý kiến này tiếp cận đoạn thơ chủ yếu từ phương diện hình thức nghệ thuật, đã khẳng định đặc trưng nổi bật của đoạn thơ là dấu ấn của văn hóa dân gian đậm đà – tức là những yếu tố cổ xưa, quen thuộc đã trở thành truyền thống.
- Trích đoạn còn thể hiện cái nhìn mới mẻ, độc đáo của tư duy hiện đại: Ý kiến này lại nhấn mạnh đến phương diện nội dung của đoạn thơ, khẳng định tác giả đã dùng cái nhìn, kiểu tư duy của người đương thời, ít thấy trước đây để quan sát, suy ngẫm, chiêm nghiệm.
- Hai ý kiến tưởng chừng đối lập trên bề mặt hình thức (một ý kiến khẳng định dấu ấn truyền thống, một ý kiến khẳng định màu sắc hiện đại) nhưng kỳ thực đã tiếp cận đoạn trích từ hai phương diện khác nhau là nội dung và hình thức, giúp phát hiện vẻ đẹp, giá trị phong phú của đoạn thơ này.
c. Phân tích đoạn thơ để làm rõ ý kiến
- Đoạn thơ có cái bay bổng, đậm màu sắc văn hoá dân gian.
+ Đoạn thơ sử dụng chất liệu của văn hóa, văn học dân gian: danh lam thắng cảnh không xa lạ mà đều gắn với những tích truyện thần thoại, truyền thuyết, cổ tích gần gũi, đã hằn sâu vào tâm linh, văn hóa người Việt.
+ Đoạn thơ sử dụng ngôn ngữ bình dị như lời ăn, tiếng nói hàng ngày; tên danh lam, thắng cảnh, tên nhân vật rất giản dị, nôm na, gần gũi như núi Bút, non Nghiên, hòn Trống Mái, ông Đốc, ông Trang, bà Đen, bà Điểm…; cấu trúc câu kể truyền thống với giọng điệu thủ thỉ, tâm tình, ngọt ngào đặc trưng của ngôn ngữ người Việt.
=> ngôn ngữ và chất liệu văn hóa dân gian dẫn người đọc vào một miền huyền thoại lung linh, tạo ra một thế giới nghệ thuật vừa quen thuộc vừa lạ, vừa chân thực vừa bay bổng, phát huy trí tưởng tượng tối đa của người đọc, tạo nên chất lãng mạn đặc sắc của đoạn thơ.
- Trích đoạn còn thể hiện cái nhìn mới mẻ, độc đáo của tư duy hiện đại:
+ Mới mẻ, độc đáo qua cách quan sát, nhìn nhận về những danh lam, thắng cảnh: Những danh lam, thắng cảnh như núi Vọng Phu, hòn Trống Mái hay núi Bút non Nghiên... được nhìn nhận không đơn thuần là những kỳ quan thiên nhiên mà còn được nhìn nhận như một phần tâm hồn, máu thịt của Nhân Dân. Những hình sông thế núi mang đậm hồn người, linh hồn dân tộc.
+ Mới mẻ, độc đáo trong cách tư duy, lý giải nguồn gốc hình hài Đất Nước: không phải bởi các vị thần hay vận động địa chất qua hàng ngàn năm kiến tạo nên mà chính Nhân Dân mới là chủ thể kiến tạo các danh lam, thắng cảnh ngày nay. Bằng thân phận, tâm hồn, tính cách, lối sống…, Nhân Dân đã hóa thân để tạo nên hình hài Đất Nước. Những hành động tưởng chừng như rất đời thường, những phẩm chất truyền thống quen thuộc qua góc nhìn của tác giả đã trở nên thật vĩ đại, thiêng liêng vì nó không chỉ gắn liền với từng mảnh đời cụ thể nữa mà đã được “kết nối” trong một công cuộc chung: kiến tạo Đất Nước.
+ Mới mẻ, độc đáo, hiện đại trong cách nhìn, cách đánh giá về vai trò, sự đóng góp của những con người đời thường, bình dị, vô danh, có thể thấy ở khắp nơi trên Đất Nước mình: họ có thể đảm đương những trọng trách lịch sử thiêng liêng. Trước đây, vai trò lịch sử thường được trao cho các triều đại, các vị anh hùng có chiến công rực rỡ. Còn trong quan niệm của tác giả, những “anh hùng” làm nên kỳ tích ấy lại là Nhân Dân – những con người nhỏ bé, bình dị, vô danh. Sự hi sinh của họ cho Đất Nước thật tự nguyện, âm thầm, lặng lẽ nhưng cũng thật đáng nể phục. Cái nhìn này củng cố tinh thần tự hào dân tộc, thái độ tôn vinh, ngợi ca đối với Nhân Dân.
- Đánh giá chung đặc sắc về nội dung và nghệ thuật
+ Nghệ thuật: Thể thơ tự do với những câu thơ dài ngắn khác nhau rất linh hoạt. Hình ảnh gần gũi, thân quen mà bay bổng. Giọng thơ trữ tình chính luận, vừa tha thiết, nồng nàn, vừa suy tư sâu lắng. Ngôn ngữ thơ giản dị nhưng giàu sức biểu cảm; câu thơ dài nhưng không nặng nề mà thẫm đẫm cảm xúc chân thành, tha thiết. Cấu trúc đoạn thơ được diễn đạt theo lối quy nạp tránh được sự khiên cưỡng, áp đặt, góp phần tạo nên chất trữ tình - chính luận cho bản trường ca.
+ Nội dung: Đoạn thơ bộc lộ sự khám phá mới mẻ về Đất Nước “Đất Nước của Nhân dân, Đất Nước của ca dao thần thoại”. Bằng cách vẽ lên dáng hình Đất Nước theo lối liệt kê địa danh ba miền Bắc - Trung - Nam, Nguyễn Khoa Điềm đã thể hiện một niềm tin vững chắc về một ngày mai tươi sáng: non sông thu về một mối.
* Bình luận 2 ý kiến:
- Hai ý kiến tưởng chừng đối lập trên hình thức nhưng thực chất, đã nhìn nhận, đánh giá đoạn trích từ những phương diện khác nhau, tạo nên cái nhìn toàn diện, đầy đủ, thống nhất về đoạn trích.
- Sở dĩ xuất hiện 2 ý kiến này là bởi Nguyễn Khoa Điềm đã thể hiện tư duy mới mẻ, hiện đại về Đất Nước bằng một hình thức thơ đậm chất truyền thống.
- Hai ý kiến đó có tác dụng định hướng giúp người đọc tiếp cận đoạn trích nói riêng và tác phẩm nói chung chính xác, sâu sắc hơn. Qua đó, giúp độc giả thấy được cái tài và cái tâm của nhà thơ.