Ý nghĩa kinh tế của thỏ:
1. Thỏ là một loại gia súc không tranh ăn lương thực với người và gia súc khác, nó có thể tận dụng được các nguồn sản phẩm phụ nông nghiệp, rau, lá, cỏ tự nhiên, sức lao động phụ trong gia đình, đầu tư ít vốn, quay vòng nhanh, phù hợp với điều kiện chăn nuôi gia đình ở nước ta.
- Chăn nuôi thỏ vốn đầu tư ban đầu thấp, chuồng trại có thể tận dụng các vật liệu sẳn có, rẻ tiền để làm, chi phí mua con giống ban đầu so với các gia súc khác ít hơn rất nhiều và chỉ phải bỏ ra một lần đầu là có thể duy trì chăn nuôi liên tục. Vòng đời sản xuất của thỏ ngắn ( nuôi 3,0 – 3,5 tháng là giết thịt; 5,5 – 6,0 tháng bắt đầu sinh sản ) nên thu hồi vốn nhanh, phù hợp với khả năng của nhiều gia đình.
2. Thỏ đẻ khoẻ, phát triển nhanh, sản phẩm thỏ có giá trị trong tiêu dùng và xuất khẩu. Chăn nuôi thỏ có tác dụng cho việc thực hiện mô hình VAC trong kinh tế gia đình. Thỏ đẻ nhanh, một năm trung bình đẻ 6 -7 lứa, mỗi lứa 6 -7 con. Sau 3 tháng nuôi trọng lượng xuất chuồng 2.5 – 3.0 kg, như vậy một thỏ mẹ nặng 4 -5 kg một năm có thể sản xuất ra 90 – 140 kg thịt thỏ, cao hơn nhiều so với các loại gia súc khác.
- Lông da thỏ sau khi thuộc xong, may thành mũ áo hoặc làm đồ thủ công mỹ nghệ có giá trị lớn trong tiêu dùng và xuất khẩu. Ở Pháp 1 năm có 100 triệu tấm da thỏ trao đổi, giá trị thu từ lông da thỏ tăng thêm 30 -35%.
- Thỏ là một gia súc rất mẫn cảm với điều kiện ngoại cảnh nên nó được dùng nhiều làm động vật thí nghiệm, động vật kiểm nghiệm thuốc, chế vaccin trong y học và thú y.
- Phân thỏ tốt hơn các loại phân gia súc khác, có thể sử dụng để bón cây, nuôi cá và nuôi trùn, lấy trùn nuôi gà, vịt, ngan, cá, lươn….
Như vậy việc nuôi thỏ ở gia đình vừa tận dụng được phế phụ phẩm nông nghiệp, tận dụng được sức lao động phụ, vừa đỡ tốn lương thực, lại cho ra một loại sản phẩm đặc biệt ( thịt, lông, da ) có giá trị tiêu dùng, y học, thú y và xuất khẩu. Ngoài ra sản phẩm phụ của nuôi thỏ góp phần tích cực tạo thế cân bằng cho trồng trọt và chăn nuôi theo công thức VAC trong kinh tế gia đình.