Sau khi giao phối, kiến chúa và kiến đực đáp xuống đất. Những chàng kiến đực bò quanh quẩn rồi chết. Còn kiến chúa cắn đứt đôi cánh và bò đi kiếm chỗ làm tổ. Có trường hợp kiến chúa bò về tổ cũ và được chấp nhận. Ðôi khi kiến chúa sống nhờ ở một tổ kiến khác loài, được chúng chăm sóc và nuôi nấng cho đến khi sinh sản. Nhưng thông thường thì kiến chúa tự xây tổ mới. Sau khi sửa soạn nơi xây tổ, kiến chúa bịt kín cửa ra vào và bắt đầu đẻ trứng. Trong suốt thời gian này, kiến chúa sống bằng cách ăn cặp cánh đã trở nên vô dụng. Ðôi khi kiến chúa đói quá ăn cả những trái trứng của mình. Kiến chúa có khả năng kiểm soát để tinh trùng thụ tinh cho trứng hay không. Trứng nào không được thụ tinh sẽ trở thành kiến đực, trứng nào được thụ tinh sẽ trở thành kiến thợ hoặc kiến chúa tơ.
Trứng kiến rất nhỏ, chỉ vài ngày sau nở thành ấu trùng. Ấu trùng màu trắng, nhìn giống như con giun. Hầu hết các loại ấu trùng không tự di chuyển được. Kiến chúa phải nuôi ấu trùng bằng nước dãi của mình và đôi khi bằng chính những trái trứng khác. Giai đoạn này mất khoảng vài tuần, sau đó ấu trùng trở thành nhộng. Một số loại ấu trùng tự nhả và bọc chúng trong một cái kén trắng bạc trước khi trở thành nhộng. Nhộng là loại kiến non mình trong suốt, không ăn và bất động, sau từ 2 tới 3 tuần thì trở thành kiến. Khởi đầu là bầy kiến thợ. Kiến thợ sau khi trưởng thành, rời tổ đi kiếm mồi mang về cho kiến chúa và đàn ấu trùng ăn, và bắt đầu phận sự chăm sóc trứng, ấu trùng và nhộng trong khi kiến chúa tiếp tục đẻ trứng. Kiến chúa đẻ hàng ngàn trứng trong suốt một đời mình mà đa số chúng đều nở ra kiến thợ.
Ðể sinh tồn và chống trả những loài ăn kiến như ếch, nhện, chim, bò sát… và cả những loài kiến thù địch khác, loài kiến tự vệ bằng cách chích, cắn hay phun a-xít formic hoặc những hóa chất khác. Khoảng nửa số loài kiến có ngòi chích, chẳng hạn như kiến lửa hay loài kiến to chích vào da. Ngòi chích này tiết ra nọc gây đau rát và khó chịu. Loài không có ngòi chích thì có thể phun độc từ đít bụng.