Hướng giải quyết
Để những vấn đề của đô thị hóa ở nước ta đi đúng hướng thì một trong những nhiệm vụ cơ bản ban đầu là hoạch định cho được từng bước đi cụ thể của cả quá trình đô thị hoá. Trước tiên khi đặt vấn đề suy nghĩ về đô thị hoá tại ViệtNam: Đô thị hoá - bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp lưu truyền qua hàng ngàn năm nay sẽ ra sao? Đô thị hoá - nông dân và người nghèo được gì tại những lãnh thổ chịu tác động của quá trình đó? Văn hoá và truyền thống dân tộc sẽ thích nghi như thế nào dưới tác động mãnh liệt và quá ồ ạt của quá trình đô thị hóa?
Đô thị phát triển tự phát thiếu quy hoạch, từ đó dẫn đến việc có một số đô thị thiếu hoặc rất kém về hạ tầng kỹ thuật và xã hội, ô nhiễm môi trường, cảnh quan suy thoái.. Ở bất cứ khâu nào của công tác quy hoạch (quy hoạch mới, quy hoạch cải tạo chỉnh trang đô thị cũng như điều chỉnh quy hoạch) đều thiếu sự đồng bộ, chất lượng các các đồ án quy hoạch không được tốt, thiết kế đô thị chưa được quan tâm hoặc bỏ ngỏ, điều lệ quản lý đô thị thì lỏng lẻo và thiếu sự thống nhất giữa các cấp… Thậm chí các dự án quy hoạch còn phụ thuộc vào các nhà đầu tư! Như vậy, nguyên nhân chính của tình trạng này là do hệ thống pháp luật liên quan đến đầu tư xây dựng trong phát triển đô thị còn thiếu đồng bộ (nhiều lĩnh vực bị bỏ trống nhưng lại có nhiều lĩnh vực được đầu tư chồng chéo).
Ngoài ra, đô thị hoá ở nước ta đã và đang dẫn đến mất cân đối trong sự hài hoà cần thiết giữa môi trường nhân tạo và môi trường tự nhiên. Đồng thời, cũng làm mất đi sự cân đối và sự hài hoà cần thiết giữa các vùng dân cư, các vùng kinh tế. Vậy thì, đô thị hóa nhất thiết phải được tiến hành đồng bộ cả vùng bị đô thị hoá và các lãnh thổ chịu tác động của quá trình đó.
Mặt khác, đô thị hoá đang tạo điều kiện phát triển rất nhanh cho các ngành phi sản xuất, nhưng lại cản trở sự phát triển của các ngành sản xuất vật chất cho xã hội. Điều này, rất dễ nhận thấy ở các ngành nông, lâm, ngư nghiệp... tại các vùng nông thôn bị đô thị hóa, từ đó dẫn đến phân chia giàu nghèo một cách rõ rệt. Sự phân tầng xã hội về mặt kinh tế tất yếu sẽ sinh ra phân tầng xã hội về giáo dục, về văn hoá, về hệ tư tưởng, từ đó dẫn tới mâu thuẫn trong đời sống chính trị. Đó là tiền đề cho những bất an trong đời sống xã hội.
Tăng trưởng kinh tế nhanh dẫn tới quá trình đô thị hoá tại Việt Nam diễn ra khá mạnh mẽ. Vậy chúng ta phải ứng xử như thế nào với quá trình đó? Trước hết, phải tập trung vào công tác quy hoạch và đô thị hóa một cách bài bản hơn: quy hoạch và đô thị hóa phải có tầm nhìn dài hạn và lộ trình thực hiện; quy hoạch và đô thị hóa phải có sự tham gia của người dân và các tổ chức xã hội; quy hoạch và đô thị hóa phải tính đến lợi ích của các bên liên quan: Nhà nước, xã hội, cộng đồng dân cư và người dân. Nhà nước có trách nhiệm chuẩn bị kế hoạch sử dụng đất, chuyển đổi mục tiêu sử dụng đất và phải chủ động đào tạo nghề cho người dân để chuyển dịch cơ cấu lao động.
Trong quy hoạch, nhất thiết phải giữ gìn và phát huy những giá trị văn hoá đặc sắc của mỗi vùng miền, mỗi địa phương (vật thể cũng như phi vật thể), trong đó đặc biệt chú ý đến các di tích lịch sử, các làng cổ, các giá trị văn hoá phi vật thể để có thể trở thành những điểm du lịch hấp dẫn, cũng là khoảng đệm tạo sự thông thoáng cho đô thị.Đô thị hoá ở Việt Nam phải được đặt trong bối cảnh chung của cả thế giới. Ở đây, điều quan trọng là tiếp thu khoa học, kỹ thuật và công nghệ trong phát triển và quản lý đô thị như thế nào. Sự liên kết và học hỏi những kinh nghiệm tốt về đô thị hóa với thế giới là rất cần thiết. Tuy mỗi nước có hoàn cảnh và đặc thù riêng, nhưng chúng ta phải học hỏi và phải “đứng được bằng bản năng và bản sắc riêng của chính mình”.