- Như một sự tiếp nối của cuộc cách mạng công nghiệp, trong thời kì này nhiều tiến bộ khoa học và kĩ thuật đã đạt được. Nhờ đó, đã diễn ra những chuyển biến quan trọng trong sản xuất vật chất, thúc đẩy kinh tế thế giới phát triển với tốc độ cao, làm thay đổi đời sống chính trị - xã hội của các quốc gia và thế giới.
- Với thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917 và sự ra đời của Nhà nước Xô viết, chủ nghĩa xã hội lần đầu tiên đã được xác lập ở một nước trên thế giới. Vượt qua mọi khó khăn gian khổ, Nhà nước Xô viết đã đứng vững và vươn lên mạnh mẽ, trở thành một cường quốc công nghiệp đứng thứ hai trên thế giới.
- Từ sau Cách mạng tháng Mười Nga và Chiến tranh thế giới thứ nhất, phong trào cách mạng thế giới đã bước sang một thời kì phát triển mới. Đó là cao trào cách mạng ở châu Âu trong những năm 1918 – 1923, sự lan rộng của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa và phụ thuộc, sự ra đời của các đảng cộng sản ở nhiều nước, sự thành lập và hoạt động của Quốc tế Cộng sản.
- Chủ nghĩa tư bản không còn là hệ thống duy nhất trên thế giới và trải qua những bước thăng trầm đầy biến động. Trong thời kì giữa hai cuộc chiến tranh thế giới (1918 - 1939), chủ nghĩa tư bản đã trải qua các giai đoạn: biến động cách mạng (1918 - 1923), ổn định và tăng trưởng kinh tế (1924 - 1929), khủng hoảng kinh tế và sự xuất hiện của chủ nghĩa phát xít và nguy cơ chiến tranh thế giới (1929 -1939).
- Chiến tranh thế giới thứ hai (1939 - 1945) là cuộc chiến tranh lớn nhất, khốc liệt nhất và tàn phá nặng nề nhất trong lịch sử nhân loại. Dù theo các chế độ chính trị khác nhau, các quốc gia - dân tộc đã liên minh cùng nhau trong khối Đồng minh đánh bại chủ nghĩa phát xít tàn bạo, cứu loài người thoát khỏi những thảm hoạ man rợ của chúng. Ba cường quốc: Liên Xô, Mĩ và Anh là lực lượng trụ cột, đi đầu trong cuộc chiến đấu cao cả ấy. Sau chiến tranh, lịch sử thế giới bước sang một chương mới