Trong lịch sử lập quốc của mình, Thái Lan từng là một nước lớn theo chủ nghĩa Đại Thái, lấn át các quốc gia láng giềng khi có thể, nhưng tới giữa thế kỷ 19, Thái Lan đứng trước hiểm họa xâm lăng của các nước thực dân châu Âu. Về phía tây, Đế quốc Anh đã chiếm Miến Điện, trong khi ở phía đông, Pháp đã chiếm 3 nước Việt Nam, Lào và Campuchia. Thái Lan vô tình trở thành vùng đệm địa lý giữa 2 thế lực đứng đầu thế giới khi đó là Anh và Pháp. Vì không muốn nổ ra xung đột với đối thủ, Anh và Pháp quyết định trung lập hóa Thái Lan, cả 2 sẽ tự kiềm chế, không tiến quân xâm chiếm nước này. Nhờ sự may mắn đó, cũng như biết lợi dụng mâu thuẫn giữa các cường quốc để họ tự kiềm chế nhau, nhờ vậy Thái Lan đã tránh được các cuộc xâm lược và được hưởng thời gian độc lập, hòa bình tương đối lâu dài trong thời kỳ đế quốc thực dân xâm chiếm thuộc địa và trong Thế chiến thứ hai. Thái Lan đã kí hiệp ước hữu nghị và thương mại với Anh năm 1826 và với Mỹ năm 1833, Hiệp ước trao đổi biên giới các tỉnh phía bắc Malaysia hiện tại năm 1909, nhờ đó thoát khỏi ách thuộc địa của các nước đế quốc lúc bấy giờ đang tranh giành nhau vùng Đông Nam Á. Thái Lan cũng đã kí hiệp định phân định biên giới sông Mekong với Pháp và tránh né xung đột với thực dân Pháp vào cuối thế kỷ 19. Tuy giữ được vị thế độc lập, nhưng Thái Lan cũng phải nhân nhượng nhiều quyền lợi và phải cắt lãnh thổ cho Anh và Pháp. Năm 1893, Thái Lan phải ký hiệp ước trao một số vùng đất phía đông cho Campuchia (thuộc quyền cai trị của Pháp). Năm 1904 và 1907 phải tiếp tục cắt đất, tổng cộng hơn 2 vạn km2 cho Pháp. Năm 1909, phải cắt vùng đất trên 4 vạn km2 tại bán đảo Malacca cho Anh. Trong Thế chiến thứ hai, Thái Lan là đồng minh lỏng lẻo của Nhật Bản, cho Nhật đi qua đất Thái tiến đánh Malaysia, Myanma. Lợi dụng thế suy yếu của nước Pháp (bị Đức quốc xã xâm chiếm) và sức mạnh hải quân khá hiện đại Thái Lan đã gây chiến với Pháp để tranh giành lãnh thổ Đông Dương. Sau khi bị hải quân Pháp bất ngờ tiến công đánh bại cùng với sự suy yếu của quân đội phát xít Nhật vào cuối thế chiến, một nhóm quân đội Thái Lan làm đảo chính vào ngày ngày 1 tháng 8 năm 1944, lật đổ chính phủ thân Nhật và ngay lập tức chuyển nước Thái từ một đồng minh lỏng lẻo của Nhật trong một đêm trở thành đồng minh của Mỹ và tiếp tục giữ được độc lập và hòa bình. Sau thế chiến, Thái Lan bị đối xử như một quốc gia đối địch bởi Anh và Pháp, mặc dù Mỹ đã can thiệp để giảm nhẹ các điều khoản trừng phạt Thái Lan. Thái Lan không bị lực lượng Đồng Minh chiếm đóng, nhưng phải trả lại các lãnh thổ mà họ đã chiếm đóng trong thời gian chiến tranh cho Anh và Pháp. Thời kỳ hậu chiến cũng là thời kỳ Thái Lan thắt chặt quan hệ với Hoa Kỳ, như để bảo trợ Hoàng gia Thái Lan khỏi nguy cơ chủ nghĩa cộng sản lan truyền từ các quốc gia lân bang. Lực lượng du kích ủng hộ chủ nghĩa cộng sản ở Thái Lan hoạt động tích cực trong khoảng thập niên 1960 cho tới năm 1987 nhưng chưa bao giờ là một mối de dọa nghiêm trọng cho chính quyền, tại thời kỳ đỉnh điểm họ đã có đến 12 ngàn du kích quân trong hàng ngũ. Kể từ sau năm 1979, khi quân Khmer Đỏ bị Việt Nam đánh bại tại Campuchia, Thái Lan đã chấp thuận cho quân Khmer Đỏ lập căn cứ tại nhiều khu vực trong lãnh thổ của mình như một biện pháp để làm suy yếu Việt Nam. Việc này đã dẫn đến một số cuộc giao chiến tại khu vực biên giới giữa quân đội Thái Lan và Việt Nam, cho tới khi Việt Nam rút quân khỏi Camphuchia vào năm 1989. Gần đây, Thái Lan trở thành một thành viên tích cực trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), đặc biệt là sau khi chế độ dân chủ được tái lập sau năm 1992. Tuy nhiên, đã có một số đụng độ quân sự giữa Thái Lan và Campuchia vào giai đoạn 2010-2012, khi cả 2 nước tranh chấp chủ quyền tại vùng quanh đền Preah Vihear, ngôi đền được Tòa án Quốc tế vì Công lý (International Court of Justice) vào năm 1962 tuyên bố ngôi đền thuộc về Campuchia. Chính sách ngoại giao của Thái là "ngoại giao cây sậy", tức là gió thổi về phía nào thì ngả về phía nấy, sẵn sàng "cúi đầu, thần phục" trước kẻ khác để tránh đụng độ hoặc đem lợi về cho mình.
Chúc bạn học tốt !