Vào cuối thế kỉ III TCN - đời vua Hùng thứ 18, đất nước Văn Lang không còn yên bình như trước nữa. "Vua không lo sửa sang võ bị, chỉ ham ăn uống, vui chơi. Lụt lội xảy ra, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn".
Giữa lúc đó, ở phương Bắc, nhà Tần thông nhất Trung nguyên. Năm 218 TCN, vua Tần sai quân đánh xuống phương Nam để mở rộng bờ cõi. Sau 4 năm chinh chiến, quân Tần kéo đến vùng Bắc Văn Lang, nơi người Lạc Việt cùng sống với người Tây Âu (hay Âu Việt), vốn có quan hệ gần gũi với nhau từ lâu đời. Cuộc kháng chiến bùng nổ. Người thủ lĩnh Tây Âu bị giết nhưng nhân dân Tây Âu - Lạc Việt không chịu đầu hàng, sử cũ Trung Quốc chép: “Người Việt trốn vào rừng, không ai chịu để quân Tần bắt... Rồi họ đặt người kiệt tuấn lên làm tướng, ngày ở yên, đêm đến ra đánh quân Tần”.
Người kiệt tuấn đó là Thục Phán.
Cuộc chiến đấu kiên cường, quyết liệt của cư dân Tây Âu - Lạc Việt đã làm quân Tần như “đóng binh ở đất vô dụng, tiến không được, thoái không xong". Sáu năm sau, “người Việt đã đại phá quân Tần, giết được Hiệu úy Đồ Thư”. Nhà Tần phải hạ lệnh bãi binh.
Qua cuộc kháng chiến chống quân Tần ta thấy: Người dân Tây Âu – Lạc Việt đã biết đoàn kết lại với nhau, chiến đấu dũng cảm, mưu trí. Họ đã biết tận dụng địa thế rừng núi để bày mưu tính kế đánh giặc, đó là ngày ở ẩn đêm xuất hiện để đánh quân Tần. Tiến hành đánh lâu dài với giặc khiến chúng gặp nhiều khó khăn, chán nản, mất hết ý chí xâm lược và đành phải chấp nhận rút quân về nước