Nguyên nhân, diễn biến, ý nghĩa của cao trào cách mạng1930 - 1931
1/ Nguyên nhân bùng nổ phong trào cách mạng 1930 – 1931 :
- Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới (1929 - 1933) đã tác động mạnh mẽ đến Việt Nam, làm cho nền kinh tế Việt Nam tiêu điều, sơ xác, đời sống của nhân dân lao động hết sức cơ cực. Từ sau cuộc khởi nghĩa Yên Bái thực dân Pháp thi hành chính sách ”khủng bố trắng” hòng dập tắt phong trào cách mạng. Tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế cùng với chính sách khủng bố trắng của thực dân Pháp càng nung nấu lòng căm thù, nâng cao tinh thần cách mạng của nhân dân ta.
- Mâu thuẩn xã hội gay gắt (dân tộc Việt Nam > < thực dân Pháp, nông dân > < địa chủ phong kiến). Đó là nguyên nhân sâu sa và trực tiếp đưa đến cao trào cách mạng (1930 - 1931)
- Ảnh hưởng của phong trào Cách mạng quốc tế đối với Việt Nam.
- Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời kịp thời lãnh đạo giai cấp công nhân và nhân dân lao động nước ta đứng lên đấu tranh chống đế quốc Pháp và phong kiến tay sai, giành độc lập tự do.
* Mở rộng : Trong các nguyên nhân trên, nguyên nhân Đảng ra đời và lãnh đạo là nguyên nhân cơ bản và quyết định nhất là chủ yếu và quyết định nhất. Bởi vì, nếu không có sự lãnh đạo của Đảng thì mâu thuẩn lúc đó nhiều nhất cùng chỉ dẫn đến những cuộc đấu tranh nhỉ, lẻ tẻ, tự phát, không thể trở thành một cao trào tự giác (1930 - 1931).
2/ Diễn biến phong trào :
a. Phong trào trên toàn quốc:
- Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế – xã hội, Pháp đàn áp đẫm máu khởi nghĩa Yên Bái, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời kịp thời lãnh đạo phong trào đấu tranh của công nông trong cả nước
- Tháng 2/1930 bãi công của công nhân đồn điền cao su Phú Riềng. Ở Hà Nội, ngày 22/02 có treo cờ đỏ, búa liềm.
- Tháng 3 và tháng 4 có cuộc đấu tranh của công nhân nhà máy sợi Nam Định, nhà máy diêm và cưa Bến Thủy .
- Nhân ngày Quốc tế lao động 1/5, cả nước bùng nổ nhiều cuộc đấu tranh .
- Lần đầu tiên công nhân Việt Nam biểu tình kỷ niệm ngày Quốc tế lao động, đấu tranh đòi quyền lợi cho nhân dân lao động trong nước, thể hiện tình đoàn kết cách mạng với nhân dân lao động thế giới.
- Tháng 6 đến tháng 8/1930 cả nước có 121 cuộc đấu tranh.
b. Phong trào ở Nghệ Tĩnh:
- Tháng 9/1930 phong trào đấu tranh dâng cao, nhất là ở hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Nông dân biểu tình có vũ trang tự vệ với hàng nghìn người kéo đến huyện lị, tỉnh lị đòi giảm thuế ở các huyện Nam Đàn, Thanh Chương, Diễn Châu, Anh Sơn (Nghệ An), Kỳ Anh (Hà Tĩnh) … được công nhân Vinh - Bến Thủy hưởng ứng .
- Tiêu biểu là cuộc biểu tình của 8000 nông dân Hưng Nguyên (Nghệ An) ngày 12/09/1930 với khẩu hiệu: “Đả đảo chủ nghĩa đế quốc !”. Đến gần Vinh, con số lên tới 3 vạn người, xếp hàng dài 4 km. Pháp đàn áp dã man: cho máy bay ném bom làm chết 217 người, bị thương 126 người. Chính quyền thực dân, phong kiến bị tê liệt, tan rã ở nhiều huyện, xã .
- Nhiều cấp ủy Đảng ở thôn xã lãnh đạo nhân dân làm chủ vận mệnh, tự quản lý đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội ở địa phương, làm chức năng của chính quyền: Xô viết Nghệ - Tĩnh.
3/ Ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm :
a. Ý nghĩa lịch sử
- Khẳng định đường lối đúng đắn của Đảng, quyền lãnh đạo của giai cấp công nhân đối với cách mạng các nước Đông Dương.
- Khối liên minh công nông hình thành.
- Là cuộc tập dượt đầu tiên cho Tổng khởi nghĩa tháng Tám sau này .
- Được đánh giá cao trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế .
- Quốc tế Cộng sản công nhận: Đảng Cộng sản Đông Dương là phân bộ độc lập trực thuộc Quốc tế Cộng sản.
b. Bài học kinh nghiệm:Để lại bài học quý về công tác tư tưởng, xây dựng khối liên minh công nông, mặt trận dân tộc thống nhất, tổ chức lãnh đạo quần chúng đấu tranh …