Trả lời:
- Khởi nghĩa Hai Bà Trưng (năm 40 - 43):
Trưng Trắc, Trưng Nhị là hai con gái của Lạc tướng huyện Mê Linh, thuộc dòng dõi Hùng Vương. Tháng 3 năm 40 sau Công nguyên, Trưng Trắc cùng Trưng Nhị phát động khởi nghĩa ở cửa sông Hát trên sông Hồng, thuộc huyện Phúc Thọ, Hà Tây ngày nay. Dưới sự lãnh đạo của hai Bà, nhiều cuộc khởi nghĩa địa phương được thống nhất thành một phong trào rộng lớn, từ miền xuôi đến miền núi, bao gồm người Việt và các dân tộc khác trong nước Âu Lạc cũ. Trong hàng ngũ tướng lĩnh của nghĩa quân có rất nhiều phụ nữ.
Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng giành được thắng lợi, nền độc lập dân tộc được phục hồi. Trưng Trắc được suy tôn làm vua (Trưng Vương) đóng đô ở Mê Linh, giữ được quyền tự chủ trong 3 năm.
- Khởi nghĩa Bà Triệu (năm 248):
Là đỉnh cao của phong trào chống xâm lược của nhân dân ta thế kỷ II - III. Khởi nghĩa nổ ra trong lúc bọn đô hộ có lực lượng hùng mạnh đã củng cố được ách thống trị trên đất nước ta và đang đẩy mạnh dã tâm đồng hóa dân tộc ta.
Bà Triệu tên là Triệu Thị Trinh, em ruột của Triệu Quốc Đạt, một thủ lĩnh có thế lực ở Quân An, quận Cửu Chân (huyện Triệu Sơn - Thanh Hóa). Năm 19 tuổi, bà cùng anh tập hợp nghĩa sĩ lên đỉnh núi Nưa, mài gươm, luyện võ, phất cờ khởi nghĩa. Nhân dân hai quận Giao Chỉ, Cửu Chân đã nổi dậy hưởng ứng cuộc khởi nghĩa của Bà Triệu, đánh thắng quân Ngô nhiều trận. Nhà Ngô lo sợ phải đưa thêm 8.000 quân sang nước ta đàn áp phong trào khởi nghĩa. Bà Triệu Thị Trinh đã hy sinh trên núi Tùng (Phú Điền, Hậu Lộc, Thanh Hóa).
- Khởi nghĩa Lý Bí (năm 542)
Giữa thế kỷ VI, phong trào khởi nghĩa chống ngoại xâm của nhân dân nổ ra khắp nơi, đỉnh cao là cuộc khởi nghĩa của Lý Bí dẫn tới thành lập nước Vạn Xuân. Lý Bí quê ở Long Hưng, tỉnh Thái Bình. Mùa xuân năm 542 cuộc khởi nghĩa do Lý Bí lãnh đạo nổ ra và không đầy 3 tháng đã quét sạch bè lũ đô hộ nhà Lương. Mùa xuân năm 544 Lý Bí tuyên bố thành lập nước, đặt quốc hiệu là Vạn Xuân. Ông lên ngôi Hoàng đế, tự xưng là Nam đế (vua nước Nam). Ít năm sau, cuộc kháng chiến bảo vệ chủ quyền đất nước của Lý Nam Đế thất bại, ông bị bệnh mất tháng 4-548.
- Khởi nghĩa Triệu Quang Phục (548 - 571)
Triệu Quang Phục là con một tù trưởng, quê ở Hưng Yên hiện nay, được Lý Bí (Lý Nam Đế) trao quyền lãnh đạo cuộc kháng chiến chống quân nhà Lương. Ông lập căn cứ kháng chiến tại vùng Dạ Trạch, tổ chức đánh du kích, tiêu hao sinh lực địch. Năm 550, nghĩa quân đã giết được tướng giặc là Dương San, chiếm thành Long Biên.
Ngày 13-4-548, Triệu Quang Phục lên ngôi vua, xung hiệu là Triệu Việt Vương.
Năm 571, Triệu Quang Phục bị Lý Phật Tử phản bội, thua chạy và tuẫn tiết ở cửa biển Đại Nha.
- Khởi nghĩa Lý Tự Tiên và Đinh Kiến (687)
Lý Tự Tiên đã phát động một cuộc khởi nghĩa lớn vào năm 687 chống ách đô hộ của nhà Đường. Lý Tự Tiên hy sinh, nhưng các cộng sự của ông như Đinh Kiến, Tư Thân vẫn tiếp tục lãnh đạo cuộc khởi nghĩa. Nghĩa quân vây phủ thành Tống Bình (Hà Nội). Viện binh của nhà Đường đàn áp dã man, nghĩa quân tan vỡ.
- Khởi nghĩa Mai Thúc Loan (722)
Mai Thúc Loan quê ở Mai Phụ, miền ven biển Thạch Hà, Hà Tĩnh (có sách chép ở Thiên Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh sau theo mẹ đến sống ở Nam Đàn, tỉnh Nghệ An). Năm 722 ông kêu gọi những người dân phu nổi dậy chống lại ách thống trị của nhà Đường. Nhân dân khắp các châu Hoan, Ái, Diễn (Thanh - Nghệ - Tĩnh) tụ tập dưới lá cờ khởi nghĩa, buộc tên trùm đô hộ Quang Sở Khanh tháo chạy về nước. Đất nước được giải phóng, Mai Thúc Loan xưng đế và đóng đô ở thành Vạn An. Sử gọi ông là Mai Hắc Đế.
- Khởi nghĩa Phùng Hưng (766 - 791)
Phùng Hưng là hào trưởng đất Đường Lâm (xã Cao Lâm, Ba Vì, Hà Tây) đã phát động cuộc khởi nghĩa lớn chống chính quyền đô hộ triều nhà Đường. Ba anh em Phùng Hưng, Phùng Hải, Phùng Dĩnh lãnh đạo nghĩa quân nổi dậy làm chủ Đường Lâm và đánh chiếm một vùng đất rộng lớn, xây dựng thành căn cứ đánh giặc. Cuộc khởi nghĩa kéo dài 20 năm, có thời gian đã chiếm được thành Tống Bình (Hà Nội). Ông được tôn là Bố Cái Đại Vương.