Các nguồn tư liệu thư tịch cổ của Việt Nam hiện đang được lưu trữ tại thư viện quốc gia như: Lĩnh Nam trích quái; Toàn thư; Cương Mục; Đại Nam nhất thống chí; Lịch triều hiến chương loại chí; Việt sử lược đều có ghi chép đến thời đại Hùng Vương và kinh đô Văn Lang. Đặc biệt là cuốn Việt sử lược nói khá rõ về thời Hùng Vương: " Đến thời Trang Vương nhà Chu ( năm 696- 682 TrCN) ở bộ Gia Ninh có người lạ, dùng ảo thuật áp phục được các bộ lạc, tự xưng là Hùng Vương, đóng đô ở Văn Lang, hiệulà nước Văn Lang, phong tục thuần hậu, chất phác, chính sự dùng lối kết nút. Truyền được 18 đời, đều gọi là Hùng Vương". Ngoài ra còn có nguồn tư liệu khác rất phong phú đó là các Ngọc phả, Thần tích của các di tích Đình, Đền, Miếu hiện còn trên địa bàn Việt Trì đều có ghi chép ít, nhiều về dấu vết kinh đô Văn Lang thời Hùng Vương. Các nguồn thư tịch cổ của Trung Quốc như: Thái bình hoàn vũ ký; Việt kiện thư và Đại Thanh nhất thống chí cũng có ghi chép tư liệu về kinh đô Văn Lang thời Hùng Vương trên địa bàn thành phố Việt Trì hôm nay.