MÌNH LÀM NGẮN NHẤT RỒI ĐÓ,BẠN MUỐN CẮT SAO THÌ CẮT!!
KHU DI TÍCH THÀNH CỔ LOA GIỚI THIỆU CHUNG
Cổ Loa (Loa Thành) là di tích kinh thành của đất nước Âu Lạc từ thế kỷ 3 TCN và nhà nước của vua Ngô Quyền thế kỷ 10 SCN. Hiện nay quần thể di tích này thuộc địa phận xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội.
Vào thời Âu Lạc, Cổ Loa nằm vào vị trí đỉnh của tam giác châu thổ Sông Hồng, là đầu mối quan trọng của cả đường bộ và đường thủy nên dã được lựa chọn làm kinh đô thời bấy giờ. Thành Cổ Loa là một khu vực đồi cao ráo nằm ở tả ngạn sông Hoàng – một nhánh lớn của sông Hồng, nối liền với sông Cầu nhưng con sông này qua nhiều thế kỷ bị phù sa bồi đắp nên hiện nay chỉ còn là một con lạch nhỏ. Xã Cổ Loa lúc đó có tên là Phong Khê – một vùng đồng bằng trù phú, đông đúc dân cư nên việc rời đô từ Phong Châu về đây đánh dấu một giai đoạn phát triển mới của cư dân Việt cổ.
Thành Cổ Loa được các nhà khảo cổ học đánh giá là “tòa thành cổ nhất, quy mô lớn và bậc nhất và cấu trúc cũng thuộc loại độc đáo nhất trong lịch sử xây dựng thành lũy của người Việt cổ”. Theo truyền thuyết Thành Cổ Loa có tới 9 vòng thành xoáy trôn ốc nhưng theo khai quật khảo cổ thì hiện nay chỉ còn dấu vết của 3 vòng thành. Trong đó vòng thành nội trong cùng có thể được làm sau này, vào thời Vua Ngô Quyền. Mỗi vòng thành đều có hào nước bao quanh bên ngoài, rộng từ 10-30m.
Hiện nay Cổ Loa được công nhận là một trong 21 khu du lịch Quốc gia, trong khu di có các công trình như Đền Thượng, Giếng Ngọc, Đình Cổ Loa, Đền thờ An Dương Vương… mở cửa quanh năm để phục vụ khách du lịch và người dân tham quan.
Xem thêm: Kinh nghiệm Du lịch Chùa Hương
Truyền thuyết và thực tế về thành Cổ Loa
Thành Cổ Loa gắn liền với truyền thuyết về việc Thục Phán An Dương Vương được Thần Kim Quy giúp bày cách xây thành, về chiếc nỏ thần được làm từ móng chân rùa thần và về mối tình bi thương của Trọng Thủy – Mỵ Châu.
Tương truyền rằng thành Cổ Loa xây nhiều lần mà vẫn đổ, sau có Thần Kim Quy hiện lên giúp đỡ An Dương Vương thì thành mới đứng vững. Qua nhiều lần nghiên cứu khảo cổ thì các nhà khảo cổ đã tìm ra cách mà An Dương Vương giúp thành đứng vững chính là chèn một lớp đá vào chân tường thành, ở dưới sâu lòng đất vì đây là một khu vực đất yếu.
Sau khi xây thành xong, Thần Kim Quy đã tặng cho An Dương Vương một chiếc móng rùa thần của mình để làm nỏ thần, nỏ thân một phát bắn ra cả trăm cung tên khiến quân địch vô cùng hoảng sợ và đây chính là vũ khí giúp An Dương Vương giữ vững bờ cõi. Nhưng thực tế đây chính là “nỏ Liên Châu” do tướng quân Cao Lỗ là người phát minh ra. Nỏ này có một bộ phận gọi là “chốt giữ liên hoàn” để có thể 1 lần bóp cò mà nhiều mũi tên bay ra cùng lúc. Cùng với cấu tạo của Thành Cổ Loa là vòng xoáy trôn ốc, các ụ công sự được sắp xếp so le nhau nên các mũi tên từ các hướng bay ra cũng khiến quân địch vô cùng hoảng sợ.
Lúc này, Triệu Đà không tìm được cách nào để chiến thắng được An Dương Vương nên đã tìm cách đánh từ trong đánh ra. Triệu Đà giả hòa với An Dương Vương và xin kết thân cho con trai mình là Trọng Thủy với con gái của An Dương Vương là Mỵ Châu. Vì An Dương Vương ỷ vào sức mạnh nỏ thần nên đã chủ quan, không ngờ Trọng Thủy đánh cắp nỏ thần và An Dương Vương đã bị quân của Triệu Đà tiến đánh. Trong lúc nguy cấp, An Dương Vương đưa Mỵ Châu lên lưng ngựa và cùng bỏ chạy. Nhưng vì quá yêu và quá tin Trọng Thủy nên trên đường bỏ chạy Mỵ Châu đã rải lông ngỗng để Trọng Thủy có thể tìm thấy mình. Cuối cùng khi chạy đến bờ biển thì An Dương Vương mới biết chính con gái mình đã dẫn đường cho giặc đuổi theo nên đã rút kiếm chém đầu Mỵ Châu còn mình theo Thần Kim Quy lặn xuống biển sâu. Trọng Thủy vì quá đau khổ nên đã nhảy xuống giếng trong thành Cổ Loa tự vẫn.
Sự thực về mối tình đầy ngang trái này của Trọng Thủy và Mỵ Châu thì đến nay vẫn chưa có tài liệu nào có thể làm rõ được nhưng phải nói rằng đây là một bài học cảnh giác, gắn liền với lịch sử giai đoạn này của Nhà nước Âu Lạc
Đền thờ An Dương Vương hay còn được gọi là đền Thượng nằm ở trung tâm Thành trong, được coi là nơi Vua Thục Phán trước kia ở. . Đền Thượng mọc lên trên một gò đất hình đầu rồng, hai gò hai bên là hai cánh rừng. Phía dưới có hai hố tròn là mắt rồng. Trước mặt đền Thượng là một hồ nước lớn, bên trong hồ có Giếng Trọng Thủy (Giếng Ngọc) – nơi truyền thuyết cho rằng Trọng Thủy đã gieo mình xuống đây tự vẫn.
Hiện không rõ đền được xây dựng từ năm nào nhưng lần sửa chữa xa nhất vào năm 1687 và có một lần trùng tu lớn nhất vào năm 1893.
Trong đền còn giữ được một số di vật như: tượng An Dương Vương bằng đồng, đúc vào năm 1897, hai con ngựa hồng – bạch làm vào năm 1716, các món đồ bằng đồng, sứ, gỗ, vải…
Trước cổng để có 2 con rồng đá, thân uốn lượn, tay vuốt râu, được chạm khắc hết sức tinh tế của những người thợ thủ công Việt Nam thế kỷ 17.
Đền có nhiều cửa ra vào, khu vực chính giữa là điện thờ Vua, nằm phía trong ở hai bên là nơi thờ Hoàng Hậu và thờ Mẫu.
2. Ngự triều di quy – Đình Cổ Loa
Qua cổng làng Cổ Loa cũng là cổng Thành Trong là tới Ngự triều di quy hay còn được gọi là Ngự Đình hay Đình Cổ Loa. Đây là một ngôi đình được chuyển từ nơi khác về, và dựng lại hồi cuối thế kỷ 18 ngay trên khu đất tương truyền là nơi xa xưa vua Thục Phán thiết triều. Trong đình vẫn còn tấm hoành phi ghi bốn chữ “Ngự triều di quy”. Giữa đình, còn bức cửa võng chạm hình tứ linh (long, ly, quy, phượng) và tứ quý (đào, cúc, trúc, mai). Bức chạm khá tinh tế và được thếp vàng rực rỡ. Đình có kiến trúc vững chãi, bề thế và tại đây trưng bày nhiều di tích khảo cổ niên đại hàng nghìn năm có giá trị quan trọng ví dụ như những mũi tên bằng đồng từ thời An Dương Vương.
Am Mỵ Châu
Bên trái Đình Cổ Loa là Am thờ Mỵ Châu (Am Bà Chúa), dân làng còn gọi đây là mộ Mỵ Châu. Đây chỉ là một am nhỏ nằm khiêm tốn dưới gốc đa nghìn tuổi với vẻ u tịch như muốn gợi về câu chuyện tình ngang trái cách đây hàng ngàn năm. Căn phòng trong cùng có tượng công chúa Mỵ Châu. Đây là một hòn đá tự nhiên có hình dáng người cụt đầu. Truyền thuyết kể rằng sau khi Mỵ Châu hóa thành hòn đá to trôi dạt về bãi Đường Cấm, ở phía đông thành Cổ Loa, dân trong thành đem võng ra cáng về đến gốc đa thì đứt võng, hòn đá rơi xuống, bèn lập am thờ ngay tại chỗ.
Chùa Bảo Sơn hay Chùa Cổ Loa (Bảo Sơn Tự)
Từ Am Mỵ Châu đi sâu vào phía trong là chùa Bảo Sơn, trong chùa có nhiều tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, có giá trị to lớn như: bức cốn tứ linh từ thế kỷ 19, 134 bức tượng Phật được bài trí ở chính điện, hậu cung, hành lang và nhà Mẫu, 5 tấm bia đá từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 19, 2 đại hồng chung đúc vào năm Gia Long thứ 2 (năm 1803), một khánh đồng và nhiều pháp khí có giá trị khác.
Đền thờ Cao Lỗ
Cao Lỗ (? – 179 TCN) là một tướng tài của Thục Phán An Dương Vương, quê người Gia Bình, Bắc Ninh. Ông là người phát minh ra “nỏ liên châu” bắn được nhiều mũi tên cùng một lúc. Ông cũng chính là người khuyên An Dương Vương dời đô xuống vùng đồng bằng, tìm đất đóng đô và là người thiết kế, chỉ huy công trình xây thành Cổ Loa.
Đền thờ Cao Lỗ hiện được dựng ở nhiều nơi như quê ông ở Bắc Ninh, hay ở Ái Mộ và ngay trong thành Cổ Loa cũng có đền thờ của ông.
Đền thờ nhỏ, có dựng tượng Cao Lỗ bắn nỏ giữa ao nước trước đền. Trong đền còn lưu giữ nhiều mũi tên đồng mà các nhà khảo cổ học đã khai quật được.
Đền thờ Cao Lỗ chỉ cách Đền thờ An Dương Vương khoảng 150m
Kết hợp đi Cổ Loa và Đền Gióng Sóc Sơn trong 1 ngày
Các cửa thành và các Miếu thờ Thần trấn các cửa thành.
Ngay trên đường vào khu vực Thành Cổ Loa các bạn sẽ nhìn thấy Cửa Trấn Nam và Miếu thờ Thần trấn cửa Nam. Qua cửa này rẽ tay phải chính là Đền thờ Cao Lỗ.
Cửa trấn Bắc và Miếu thờ Thần trấn cửa Bắc nằm ở vòng thành thứ 3, cách Trung tâm Cổ Loa khoảng 5km.
Cửa trấn Tây và Miếu thờ Thần trấn cửa Tây cũng nằm ở vòng thành thứ 3 nhưng riêng cửa trấn Đông thì đã không còn qua quá trình xây dựng khu dân cư ở đây
Các di chỉ khảo cổ
Cổ Loa là một khu vực dày đặc các di chỉ khảo cổ như: Đồng Vông, Bãi Mèn, Đình Chiền, Đình Tràng, Mả Tre, Thành Nội, Thành Ngoại, Thành Trung, Xuân Kiều, Xóm Nhồi, Tiên Hội, Đường Mây, Cầu Vực… và các nhà khảo cổ học đã khai quật được ở đây hàng vạn công cụ lao động, nhạc khí, vũ khí bằng đồng…