2.
Trong khoảng từ thế kỉ VII đến X, ở khu vực Đông Nam Á đã hình thành một số quốc gia, lấy một bộ tộc đông và phát triển nhất làm nòng cốt, thường được gọi là các quốc gia phong kiến “dân tộc” như Vương quốc Cam-pu-chia của người Khơ-me, các vương quốc của người Môn và người Miên ở vùng hạ lưu sông Mê Nam của người In-đô-nê-xi-a ở Xu-ma-tơ-ra và Gia-va v.v...
Từ khoảng nửa sau thế kỉ X đến nửa đầu thế kỉ XVIII là thời kì phát triển của các quốc gia phong kiến ở Đông Nam Á.
Ở In-đô-nê-xi-a, đến cuối thế kỉ XIII dòng vua Gia-va mạnh lên, đã chinh phục được Xu-ma-tơ-ra, thống nhất In-đô-nê-xi-a dưới Vương triều Mô-giô-pa-hít hùng mạnh trong 3 thế kỉ (1213- 1527), bao gồm hơn 10 nước nhỏ và đảo phụ thuộc, có “sản phẩm quý, đứng hàng thứ hai sau A-rập”. Trên bán đảo Đông Dương, ngoài các quốc gia Đại Việt và Cham-pa, Vương quốc Cam-pu-chia từ thế kl IX cũng bước vào thời kì Ăng-co huy hoàng. Trên lưu vực sông l-ra-oa-đi, từ giữa thế kỉ XI, quốc gia Pa-gan ở miền Trung đã mạnh lên, chinh phục các tiểu quốc gia khác, thống nhất lãnh thổ, mở đầu cho quá trình hình thành và phát triển của Vương quốc Mi-an-ma.
Cũng trong thế kỉ XIII, do sự tấn công của người Mông cổ, một bộ phận người Thái, vốn sinh sống ở thượng nguồn sông Mê Công đã di cư ồ ạt xuống phía nam, định cư ở lưu vực sông Mê Nam và lập nên Vương quốc Su-khô-thay - tiền thân của nước Thái Lan sau này. Một bộ phận khác định cư ở vùng trung lưu sông Mê Công, lập nên Vương quốc Lan Xang (Lào) vào giữa thế kỉ XIV.
Thế kỉ X-XVIII còn là giai đoạn phát triển thịnh vượng của nền kinh tế khu vực, hình thành những vùng kinh tế quan trọng, có khả năng cung cấp một khối lượng lớn lúa gạo, cá, sản phẩm thủ công (vải, hàng sơn, đồ sứ, thuốc nhuộm, chế phẩm kim khí v.v...) và nhất là những sản vật thién nhiên (các loại gỗ quý, hương liệu, gia vị, đá quý, ngọc trai, cánh kiến v.v...). Đã có một thời lái buôn của nhiều nước trên thế giới đến đây buôn bán, mang sản vật của Đông Nam Á về nước họ, hay đến những nơi khác xa xôi hơn.
Cùng với sự phát triển kinh tế và với quá trình xác lập các quốc gia “dân tộc”, văn hoá dân tộc cũng dần được hình thành. Sau một thời gian tiếp thu và chọn lọc, các dân tộc Đông Nam Á đã xây dựng được một nền văn hoá riêng của mình và đóng góp vào kho tàng văn hoá chung của loài người những giá trị tinh thần độc đáo.
Từ nửa sau thế kỉ XIII, các quốc gia Đông Nam Á bước vào giai đoạn suy thoái, mặc dù xã hội phong kiến vẫn tiếp tục tồn tại cho tới khi trở thành thuộc địa của các nước tư bản phương Tây vào giữa thế kỉ XIX.