Dù không xưng hiệu, họ Khúc vẫn được đời sau tôn như những vị vua. Khúc Thừa Dụ được gọi là Tiên chủ, Khúc Hạo là Trung chủ và Khúc Thừa Mỹ là Hậu chủ. Trong 3 đời họ Khúc, Khúc Hạo là người được nhắc đến nhiều nhất do những đóng góp của ông đối với lịch sử Việt Nam lúc đó.
Nhà Đường thịnh trị, nắm quyền ở Trung Hoa, mở mang đất đai sang phía tây bao la, tứ phương đều có các An Tây, An Đông, An Bắc và An Nam đô hộ phủ. Những người Việt đứng lên trước đây như Mai Hắc Đế, Phùng Hưng, Dương Thanh... không thiếu hùng tâm nhưng gặp phải nhà Đường còn quá mạnh. Tới khi nhà Đường suy vong, vua yếu không còn thực quyền mà quyền thần chỉ lo cướp ngôi và đối phó với các phiên trấn, nước chia năm xẻ bảy, không còn đủ sức và tâm trí làm chiến tranh tổng lực với các "đô hộ phủ" thì thời cơ để thoát ra khỏi vòng tay lỏng lẻo đó cho người Việt đã tới. Khúc Thừa Dụ đã biết tận dụng đúng lúc thời cơ đó. Vì vậy, xét về mặt quân sự, thời cơ mà Khúc Thừa Dụ có được chẳng những thuận lợi hơn so với Mai Thúc Loan và Phùng Hưng mà ngược lên trên, so với Lý Nam Đế, Hai Bà Trưng, Bà Triệu cũng dễ thực hiện hơn. Do đó sử sách chỉ ghi ông chiếm lấy thủ phủ Đại La mà gần như không gây ra những cuộc đụng độ máu chảy thành sông, đánh qua giằng lại giữa quân Nam và quân Bắc, không phải đối đầu với viện binh...
Tuy nhiên, xét về mặt chính trị, cơ đồ trong tay họ Khúc lại có phần khó hơn. Việt Nam sau hơn 1000 năm Bắc thuộc giống như người bệnh ốm dài ngày, không thể vùng đứng dậy ra nắng gió. Mặt khác, qua hơn 1000 năm - chứ không phải vài trăm năm như trước đây -vì ảnh hưởng của chính sách đồng hoá của phương bắc, tư tưởng là "công dân Trung Quốc" đã ăn sâu vào đa số người Việt. Do đó, việc khơi dậy tinh thần "độc lập, tự chủ" của người Việt không thể thực hiện trong một vài năm có thể thành công. Vì thế, chính sách dưỡng sức dân bên trong, hoà hoãn với bên ngoài là cần thiết để tạo điều kiện cho các thế hệ sau đứng vững thành một cõi độc lập.
Chính sách thân Hậu Lương, gây hấn Nam Hán của Khúc Thừa Mỹ giống như hy vọng nước xa có thể cứu lửa gần, do đó bị thất bại.