2 . Lý do Hồ quý ly tiến hành cãi cách là :
Cuối thế kỷ XIV, chính quyền Đại Việt căn bản là một thể chế hỗn độn, duy trì những hình thức nửa vời của một nhà nước có xu hướng tập trung quyền lực với một tình trạng tản quyền rộng khắp. Sự gia tăng quyền lực của quý tộc địa phương, đặc biệt hoàng tộc, nổi lên đặc biệt mạnh với mô hình điền trang thái ấp từ cuối thế kỷ XIII, kết hợp với sự mở rộng lực lượng tăng lữ khắp đất nước khiến tiềm lực quốc gia bị cắt xén, quyền lực nhà nước có nguy cơ bị xói mòn. Quyền lực tư tưởng vốn thường do Nhà nước dẫn đạo chìm khuất vào non cao chứ không trở thành một chân đế chính trị như nhà Trần của thế kỷ XIII hi vọng. Trái lại, vào chùa để trốn thuế trở thành “tệ nạn” của thời đại buổi ấy, nhất là với một tư tưởng Đại Thừa vốn nhập nhằng đời-tục – Phật giáo đã không còn là nơi quy tụ tinh hoa xã hội và tái sản xuất lực lượng tinh hoa như thế kỷ XI-XII. Quả vậy, cái xã hội từng kiêu hãnh của thế kỷ XIII thì chỉ hơn 100 năm sau đã trở thành một cộng đồng bị phân cắt cả về tư tưởng và quân sự. Lực lượng tinh hoa xã hội phiêu dạt trong những điền trang thái ấp càng khiến tình trạng xã hội trở nên hỗn loạn và tiêu điều.
Trong bối cảnh đó, lại vào đúng giai đoạn thế lực ngoại xâm đưa quân đến những miền biên viễn, nhu cầu tập trung quân sự lần nữa lại trao quyền lực tối cao vào các thế lực quân sự, đúng hơn, vào tay người cầm giữ quân sự. Trong nhiều thế kỷ, Lê Hoàn, Lý Công Uẩn, Trần Thủ Độ… đã luôn là những “đấng sáng thế” ra triều đại mới dựa trên vị trí tổng lĩnh quân sự đó – đây là đặc trưng của truyền thống chính trị Đại Việt trước thế kỷ XV, nó đặc biệt thích hợp cho một mô hình nhà nước nơi quyền lực còn sơ khai và nhập nhằng. Những thể chế nào dựng mình trên sự pha trộn lợi ích không rõ ràng đều sẽ để quyền lực tối cao rơi vào lực lượng quân sự theo cùng cách đó. Cha con Lê Hoàn đã định chấm dứt xu hướng tản quyền đương thời bằng một nỗ lực giảm trừ Phật giáo và gia tăng Nho giáo, nhưng kết thúc của nhà Tiền Lê lại sẽ được lực lượng Phật giáo đặt định bằng “thần tượng chính trị Lý Công Uẩn”, người mang giữ cả quyền lực tư tưởng lẫn quyền lực quân sự đương thời. Cũng chính Lý Công Uẩn sẽ mở ra một mô hình chính trị tân thời cho gần 4 thế kỷ sau đó.
Cuối thế kỷ XIV, Hồ Quý Ly, đúng hơn, Lê Quý Ly tương ứng là người kế thừa vai trò chính trị từ thời Lê Hoàn. Cũng như các nhà khai sáng triều đại khác, ông có cơ hội thiết lập nên một đế chế theo ý chí của mình. Nhưng ông khác với các nhà khai lập trước, ông không phải là nhà quân sự thiên tài, ông thường thất trận khi đem quân ra biên ải. Nhưng từ thời nay mà nhìn lại, một cách khách quan nhất, ông là nhà khai lập triều đại có trí tuệ nhất và thuộc hàng tinh hoa nhất. Hãy nghe lời Ngô Sĩ Liên nói về việc Hồ Quý Ly phê phán kinh điển Nho gia tân thời: “Chu Tử sinh vào cuối đời Tống, kế tiếp công việc chú giải Lục kinh của các nhà nho Hán, Đường, ngược dòng tìm nguồn, hiểu được ý của thánh nhân ở các bộ kinh để lại, rõ được đạo thánh nhân ở những lời huấn giải, vắt óc nghiền ngẫm, lý và tâm dung hợp. Ông giải thích thì tường tận, chỉ dẫn thì xa rộng, thực là tập đại thành của các tiên nho và cũng là khuôn mẫu cho những kẻ hậu học. Huống chi lại có Trình Tử xướng ở trước, và Chu Tử bổ sung chỗ chưa hoàn hảo ở sau, thì nghĩa đã tinh lắm rồi. Người sau mà có trước tác, thì cũng chỉ là mở mang cho rộng thêm, tô chuốc cho bóng thêm, có thế mà thôi, sao lại được chê bai bàn cãi?”(ĐVSKTT, Bản kỉ, q.8, tờ 28a). Lại thêm Ngô Thì Sĩ: “Nhan Uyên nói: đạo của Phu tử lớn lắm, thiên hạ không chỗ dung nạp nổi, cho nên ở Lỗ bị trục, ở Tề bị cùng khốn, ở Vệ bị thiệt hại, ở Thái bị vây, bị Yến Anh dèm pha, bị Võ Thúc chê trách, là lời người đồng thời, lại có kẻ truất xuống làm trung hiến, giáng làm tiên sư, thật là người mù chê mặt trời, mặt trăng không ánh sáng, có làm tổn hại gì được các vì sáng đó. Còn đến bảo Xương Lê là đạo Nho, Liêm, Lạc là trộm cắp. Đạo học các vị này khi ở Bắc, đã bị khuất trong thời bấy giờ, sang đến Nam, lại cũng bị đời sau bài bác, các ông thật là gặp ách vận, đáng than.”[2]. Bỏ qua định kiến Nho gia, có thể thấy âm thầm qua những lời chê trách xuất hiện một Hồ Quý Ly tinh thông Nho học, mà đặt vào trong tương quan với các thủ lĩnh quân sự từng xuất hiện, thì ông là một trường hợp đặc biệt. Việc phê phán những nền tảng Nho học trừu tượng bấy giờ ở phương Bắc chính là nền tảng cho một nỗ lực chính trị thực tiễn tận dụng Nho học vào phương Nam. Một điều khác lạ đã chớm bắt đầu vào cuối thế kỷ XIV ở Đại Việt: sự cải cách chính trị sẽ đến từ một nhà Nho thực tiễn, nói cách khác, một trí thức tinh hoa, và là một trí thức tinh hoa đang nắm lấy quyền lực quân sự, quyền lực tuyệt đối bấy giờ. Tự trong Hồ Quý Ly đã là sự tổng hợp của tinh hoa trí thức và tinh hoa quân sự, đó chính là điểm sáng sau 100 năm suy thoái của nền chính trị Đại Việt.
Những cải cách của Hồ Quý Ly vốn đã quá nổi tiếng trong cuộc luận bàn lịch sử, bởi cả tính phiêu lưu của nó lẫn ấn tượng về một quyết tâm chính trị - hành chính – kinh tế - quân sự vượt trước thời đại, cũng vì thế, đã không thể dung hợp với thời đại. Nếu ông chỉ thí nghiệm những cải cách của mình như Vương An Thạch ở Trung Quốc hoặc trượt trên những mơ mộng như Nguyễn Trường Tộ về sau, thì biết đâu lịch sử đã nghĩ về ông thuần túy như một nhà tư tưởng kì lạ. Nhưng Hồ Quý Ly từ lúc bắt đầu con đường chính trị của mình cho đến buổi kết thúc lại vẫn là một nhân vật chính trị dám thực hiện và đủ khả năng thực hiện những hoài bão của mình, dù không thể cân nhắc kĩ lưỡng xem những hoài bão được hiện thực hóa ấy sẽ dẫn lối nền chính trị về đâu. Lịch sử Việt Nam vốn khan hiếm những con người như vậy, sự khan hiếm cũng có lý do của nó: vì Đại Việt không phải là xứ sở dành cho những nhà cải cách chính trị.
Xét toàn diện, thì Hồ Quý Ly nổi bật nhất trong tư cách nhà cải cách chính trị, một đại biểu Nho giáo thực sự có quyền ban hành chính sách trên toàn nền chính trị. Có vẻ Hồ Quý Ly không chỉ cải cách chính trị, mà còn cải cách cả Nho học được truyền vào Đại Việt, đó vẫn thường là cách hành sự của những nhà chính trị thực tiễn, như Tạ Chí Đại Trường nhận xét:“Từ sự chọn lựa vị thế chính trị đó dẫn đến sự bài bác Luận ngữ và các Tống nho nổi danh như hai họ Chu, hai anh em họ Trình, thật là dễ hiểu. Đã nói chúng ta không có chi tiết lí luận của ông để có thể bàn sâu thêm, nhưng cái ý chính nổi bật của ông rõ ràng là không muốn theo khuôn thức thời đại, dù là khuôn thức của Thiên triều, của trung tâm xuất phát luồng tư tưởng chủ đạo đang lưu hành ở đất nước phiên thuộc. Từ tình thế riêng biệt của đất nước có ông ra tay đảm trách, ông muốn lập ra một môn phái mới (mà chúng ta không biết là gì) để cạnh tranh với các môn phái đương thời. Với vài câu còn lại trong sử, ta thấy ông chê trách các danh gia Tống nho đi vào lí thuyết mông lung nhiều mà không chú trọng đến thực hành. Vì thế dưới mắt Hồ Quý Li, Hàn Dũ mà danh tiếng nổi bật không phải vào lúc sinh thời (tuy với bài biểu đòi đốt xương Phật) nhưng được bốc cao nhờ các Tống nho về sau, con người của văn từ rổn rảng đó bị ông đặt vào hàng ngũ “đạo nho” (nho ăn trộm, nho vặt vãnh), cũng không phải là quá quắt. Nói một cách khác, Quý Li là nhà chính trị, là con người của hành động, không ưa lí thuyết, nên chê Tống nho “học rộng nhưng ít tài”, chê Khổng Tử thiếu ứng biến, chao đảo không quyết đoán”[3].