Thuỳ trước tuyến yên tiết ra các hormone sau đây: STH, TSH, ACTH, GH (FSH, LH, LTH), mỗi loại có cấu trúc và tác dụng sinh lý khác nhau. a. Somatotropin hormon (STH) STH còn gọi là kích sinh trưởng tố với tác dụng chính của nó là kích thích sự sinh trưởng của cơ thể. Nó gồm 245 amino acid sắp xếp trên một mạch polypetid. Trọng lượng phân tử TSH khác nhau tuỳ loài. Ví dụ cừu 48.000, bò 45.000, người và khỉ 21.000. Cần chú ý là giữa các loài có sự khác nhau về phương diện miễn dịnh, nên STH của loài này không có tác dụng đối với loài khác. Nó dễ bị thuỷ phân khi gặp acid mạnh và gặp các enzyme tiêu hoá. Tác dụng sinh lý của Somatotropin hormon (STH) - Kích thích sự phát triển của cơ thể non đang lớn Kích thích sự phát triển của cơ thể non đang lớn được thông qua cơ chế làm tăng đồng hoá protein ở mô bào, gây cân bằng dương nitơ, thể hiện mấy điểm sau đây: Kích thích vận chuyển amino acid qua màng tế bào. Tăng tổng hợp RNA thông tin từ đó tăng tổng hợp protein. Nếu STH tiết quá nhiều súc vật non mang chứng phát triển khổng lồ. Còn đối với gia súc trưởng thành (khi đã hoàn thành sự cốt hoá xương) sẽ dẫn đến chứng to đầu ngón các bộ phận như đầu, hàm dưới, bàn chân, bàn tay to ra, các phủ tạng như: tim, gan, ruột già cũng bị nở to. Song nhược năng tuyến yên trước tuổi trưởng thành thì cơ thể sẽ lùn bé. Nhược năng sau tuổi trưởng thành cơ thể mắc bệnh, gọi là bệnh ximông (simmonds) và bệnh này hay xảy ra ở người. Người bệnh bị gầy đét, teo bộ phận sinh dục, tóc, lông rụng chuyển hoá cơ thể giảm, sút cân, thân nhiệt giảm, tim đập chậm, huyết áp hạ, giảm đường huyết trầm trọng. - Thúc đẩy sự phân giải mỡ Làm giải phóng những acid béo không đặc trưng từ kho mỡ, thúc đẩy oxy hoá acid béo. Nếu STH tiết nhiều sẽ gây chứng toan huyết và toan niệu. Đối với trao đổi đường thì STH gây tăng đường huyết và bị mất theo nước tiểu phát sinh bệnh đái đường. STH một mặt ức chế tế bào β của đảo tuy làm giảm tiết insulin, mặt khác ức chế hoạt tính enzyme hexokinase làm giảm sự phosphoryl hoá glucose khiến glucose khó vận chuyển qua màng tế bào vào trong tế bào gan để tổng hợp thành glycogen dự trữ. - Điều hoà trao đổi Ca, P Thông qua cơ chế điều hoà Ca và P mà hormone này có tác dụng xúc tiến tạo xương. b. Thyroid-stimulating hormone (TSH) TSH còn gọi là kích giáp trạng tố, vì tác dụng chủ yếu của nó là lên sự phát dục và hoạt động của tuyến giáp. TSH là một glycoprotein có chứa S và chứa 2 phân tử đường. Trọng lượng phân tử là 28.000. Tác dụng sinh lý TSH kích thích sự phát dục của tuyến giáp trạng và kích thích tuyến giáp tiết thyroxine. Dưới ảnh hưởng của TSH, mô tuyến giáp nở to, xuất hiện nhiều hạt keo trong bao tuyến. Ngày nay người ta thấy TSH có tác dụng lên suốt cả quá trình tạo hợp thyroxine từ khâu kết hợp Iod với thyroxine cho đến khâu giải phóng thyroxine ra khỏi phức hợp thyreo-globulin, nhập vào dòng máu để đi gây tác dụng. c. Adrenal-corticotropin hormon (ACTH) ACTH còn gọi là kích thượng thận bì tố, vì nó ảnh hưởng chủ yếu của nó lên sự phát dục và hoạt động của vỏ thượng thận. ACTH của nhiều loại động vật đã được phân lập. Tất cả đều có cấu tạo là một mạch polypeptid gồm 39 amino acid. Người ta thấy rằng chỉ 24 amino acid đầu là cần thiết cho hoạt tính của hormone. Trình tự sắp xếp 24 amino acid đầu này giống nhau giữa các loài (kể cả người). 15 amino acid còn lại không có hoạt tính rõ rệt và thay đổi tuỳ loài. Cấu trúc ACTH đã được Lee tìm ra 1961. Tác dụng sinh lý ACTH là kích thích sự phát dục của miền vỏ tuyến thượng thận, chủ yếu là lớp dậu và kích thích lớp dậu tiết các hormone glucocorticoid. Trên lâm sàng các bệnh nhược năng tuyến yên đều có kèm theo triệu chứng nhược năng vỏ thượng thận. Ngược lại các bệnh ưu năng tuyến yên đều có kèm theo triệu chứng ưu năng vỏ thượng thận. Tiêm ACTH cho động vật thí nghiệm ACTH làm tăng bài tiết các hormon glucocorticoid của vỏ thượng thận từ đó gây nên tăng đường huyết, tăng huy động mỡ, tăng đào thải mỡ qua nước tiểu, tăng ứ đọng Na và H2O, tăng bài tiết K, giảm lượng bạch cầu ái toan trong máu tuần hoàn, giảm chứng viêm, tăng bài tiết các hormon sinh dục, đặc biệt là hormon sinh dục đực, tăng khối lượng máu tuần hoàn đến thận, làm nở to vỏ thượng thận Tác dụng của ACTH chủ yếu thông qua hormon của vỏ thượng thận. Ngày nay qua một số thí nghiệm có tác giả cho rằng ở một chừng mực nhất định, tác dụng của ACTH lên cơ thể có thể trực tiếp không qua vỏ thượng thận. d. Gonado-tropin hormon (GH) Gonado-tropin hormon là kích tố hướng sinh dục nó bao gồm các hormon sau đây: FSH (foliculo-stimulating hormon); LH (luteinizing hormon) và ở con đực gọi là ICSH; LTH (luteino-stimulating hormon) ở con cái. Foliculo-stimulating hormon (FSH) FSH còn gọi là kích noãn bào tố, nó là một glucoprotein, phân tử lượng 25.000 - 30.000 gồm 250 amino acid trong đó giàu cystine. Ở con cái: tác dụng sinh lý của FSH là kích thích sự phát triển của noãn bào đến dạng chín gọi là nang. Graaf nổi cộm lên trên mặt buồng trứng, kích thích noãn bào tiết noãn tố estrogen. Ở con đực, FSH có tác dụng kích thích sự phát dục của ống sinh tinh và các tế bào sertoli ở ống sinh tinh sản sinh ra tinh trùng. LH (luteinizing hormon) Còn gọi là kích sinh hoàng thể tố. Nó có cấu trúc là glucoprotein, phân tử lượng 30.000 - 40.000, bao gồm 250 amino acid. Ở con cái: LH cùng với FSH thúc đẩy noãn bào chín và tiết nhiều kích tố sinh dục cái estrogen. LH còn có tác dụng làm mọng chín màng noãn bào, bằng cách kích thích tăng bài tiết dịch vào trong xoang bao noãn. Khi đạt đến một áp lực lớn thì làm vỡ noãn bào gây trứng rụng. Sau khi trứng rụng LH kích thích biến bao noãn bào còn lại thành thể vàng và kích thích thể vàng tiết hoàng thể tố progesterone. FSH chỉ có tác dụng làm trứng chín không làm trứng rụng, muốn trứng chín rụng được phải có LH. Qua nhiều nghiên cứu muốn cho trứng chín và rụng được thì tỷ lệ LH/FSH phải bằng 3/1 đó là điểm mấu chốt giải thích những hiện tượng chậm sinh, vô sinh ở gia súc. Chậm sinh là trường hợp gia súc đạt tuổi thành thục về tính quá muộn biểu hiện tuổi xuất hiện động dục muộn, do lượng FSH quá ít, không đủ làm trứng chín để tiết đủ noãn tố oestroren gây động dục. Còn vô sinh có hai trường hợp: - Có động dục mà không có rụng trứng, còn gọi là động dục giả; do đủ lượng FSH để làm noãn bào chín tiết đủ oestroren gây động dục nhưng không đủ lượng LH nên không làm trứng rụng được. Mãi mãi vẫn không có động dục: do không đủ lượng FSH không làm cho noãn bào chín nên không gây được động dục. Ở con đực, tương đương với LH của con cái có ICSH còn gọi là hormon kích thích tế bào kẽ. ICSH kích thích sự phát triển của tế bào kẽ leydig, ở giữa các ống sinh tinh và kích thích tế bào này tiết ra hormon sinh dục đực androgen. Lutein-stimulating hormon (LTH) LTH có cấu trúc mạch polypeptid, phân tử lượng 26.000, bao gồm 211 amino acid giàu xerine. Nó còn được gọi là kích tố dưỡng thể vàng. Sau khi trứng rụng có hai trường hợp xảy ra: - Nếu trứng rụng mà được thụ tinh thì bao noãn còn lại biến thành thể vàng và tiết một lượng progesterone đầu tiên dưới tác dụng của LH. Sau đó LTH duy trì thể vàng và tiếp tục kích thích thể vàng tiết progesterone. - Với hàm lượng cao progesterone và oestrogen tạo một mối liên hệ người âm tính ức chế lại vùng dưới đồi và tuyến yên làm giảm tiết FSH và LH khiến cho những noãn bào khác không tiếp tục phát triển đến độ chín và do vậy làm cho lượng oestrogen giảm xuống, do đó con vật sau khi trứng rụng mà được thụ tinh thì không còn có hiện tượng động dục nữa. - Nếu trứng rụng mà không được thụ tinh thì sau thì vào ngày thứ 17 của chu kỳ động dục ở phần lớn gia súc, lớp tế bào nội tiết ở nội mạc tử cung tiết hormon prostaglanding-F2α và làm thể vàng bị teo biến đi thành một vết sẹo màu trắng bạc gọi là bạch thể. Lượng progesterone giảm nhanh chóng khiến việc tiết FSH và LH không còn bị ức chế nữa, những noãn bào khác tiếp tục phát triển đến độ chín và một chu kỳ động dục khác lại xuất hiện. - Ngay sau đẻ LTH mang tên prolactin, có tác dụng kích thích sự tiết sữa vào xoang sữa để cùng với oxytocin gây thải sữa ra ngoài.