Để phát huy vai trò của học sinh trong giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, thiết nghĩ cần phải thực hiện có hiệu quả một số nội dung, biện pháp cơ bản sau:
Thứ nhất, học sinh phải nhận thức rõ ý nghĩa tầm quan trọng của việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, bởi chỉ có trên cơ sở nhận thức đúng thì mới giúp thanh niên có những hành động đúng trong việc đề ra chương trình, kế hoạch hành động có hiệu quả nhất. Không chỉ có vậy, nó còn là cơ sở, động lực cho thanh niên tích cực nghiên cứu, tìm hiểu bản sắc văn hóa dân tộc, tham gia vào các lễ hội với một thái độ nghiêm túc, cầu thị và biết tiếp thu chọn lọc có phê phán tinh hoa văn hóa dân tộc và thế giới, thấy được cái hay, cái tiến bộ cần phải trân trọng giữ gìn, quảng bá.
Thứ hai, phải đề ra chương trình, kế hoạch hành động cụ thể thiết thực để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Sau khi đã có nhận thức đúng thì thanh niên phải xây dựng kế hoạch, đề ra những biện pháp cụ thể hữu ích để làm cho những di tích lịch sử, những lễ hội truyền thống của dân tộc như lễ hội Đền Hùng ở Phú Thọ, lễ hội chùa Hương ở Hà Nội…. được thăng hoa có ý nghĩa quan trọng về mặt tinh thần. Thông qua công tác tuyên truyền vận động, giáo dục, thanh niên cần ý thức và giúp người dân biết giữ gìn những gì đã có, hiểu rõ đâu là cái cần phải giữ gìn, bảo vệ không những cho hôm nay mà còn cho mãi mãi về sau và cái gì cần phê phán, loại bỏ ra khỏi đời sống xã hội. Ở những cuộc thi, những chương trình, những lễ hội là dịp tốt nhất để cho thanh niên phát huy hết vai trò, sở trường, năng lực của bản thân góp phần định hướng những giá trị về đạo đức, lối sống có văn hóa cho thanh niên và các tầng lớp khác.
Thứ ba, phát huy tính tích cực, chủ động của thanh niên trong giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Điều kiện bên ngoài có thuận lợi bao nhiêu chăng nữa, nhưng nếu bản thân mỗi thanh niên không tích cực nghiên cứu, tìm hiểu thì sẽ không bao giờ phát huy được vai trò của bản thân mình. Không ai hết mà chính thanh niên phải là người chiến sĩ xung phong trên mặt trận văn hóa như Hồ Chí Minh đã từng nói: Mỗi người phải là một chiến sĩ trong cuộc đấu tranh chống lại văn hóa lai căng, xấu độc từ bên ngoài. Thấy được vai trò của mình, có những bạn sinh viên đã vượt qua chặng đường hàng mấy trăm cây số để lên vùng cao đem cái chữ đến với đồng bào, góp phần xóa mù chữ, giúp đồng bào biết được ánh sáng của sự văn minh tiến bộ và tích cực ủng hộ những chủ trương, chính sách của Đảng về xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.
Thứ tư, học sinh phải tích cực đấu tranh chống lại âm mưu chống phá của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch trên mặt trận văn hóa tư tưởng. Hiện nay chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch đang triệt để lợi dụng cuộc đấu tranh trên mặt trận văn hóa và chúng coi đây là mũi nhọn xung kích làm phai nhạt mục tiêu lý tưởng của thanh niên. Những biểu hiện xấu của văn hóa phương Tây với lối sống thực dụng, sống chỉ có biết hôm nay, không biết đến có ngày mai; những hành vi đi ngược lại với lợi ích của quốc gia, dân tộc; sự thích thú những bộ phim nước ngoài với nội dung chém giết, võ thuật và nhiều tệ nạn trong thanh niên hiện nay chính là những phản văn hóa, những việc làm và hành động tác động rất mạnh đến tâm lý của thanh niên. Sự tác động xấu đó dễ làm cho một bộ phận thanh niên chúng ta quay lưng lại với lịch sử dân tộc, với phong tục tâp quán của con người Việt Nam, với văn hóa Việt Nam. Thanh niên là những người hàng ngày hàng giờ phải đối mặt, phải tiếp xúc với văn hóa đó nhiều nhất cho nên phải chủ động kế thừa những cái tiến bộ và lọc bỏ những cái không phù hợp, đi ngược lại với văn hóa của dân tộc. Thanh niên phải nhận thức rõ văn hóa Việt Nam là thành quả của sự kết tinh văn hóa dân tộc và văn hóa thế giới, phải trang bị cho mình một hệ thống tri thức vững vàng, đầy đủ để không bị động bất ngờ, thường xuyên tìm hiểu văn hóa dân tộc và văn hóa thế giới để tạo hành trang tri thức, góp phần xây dựng đất nước.
Sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội là quá trình lâu dài, gian khổ, phức tạp đòi hỏi phải có sự nỗ lực cố gắng của cả hệ thống chính trị. Trong quá trình hội nhập mở cửa, chúng ta phải luôn coi trọng việc bảo tồn, giữ gìn những tinh hoa văn hóa của dân tộc. Có như vậy, chúng ta mới không đánh mất mình, hòa nhập nhưng không hòa tan và giữ được lối sống cốt cách tâm hồn của con người Việt Nam. Văn hóa còn thì đất nước còn, mất văn hóa thì mất tất. Câu nói đó không chỉ có ý nghĩa trong hiện tại, tương lai mà còn mãi mãi về sau. Nó luôn nhắc nhở thế hệ ngày hôm nay, trong đó có thanh niên chúng ta, hãy biết giữ gìn, trân trọng nền văn hóa của dân tộc đồng thời phải không ngừng bổ sung, phát triển, quảng bá cho văn hóa tương lai của dân tộc.