Tài dụng binh của vua Quang Trung
Dụng phục binh đập tan 5 vạn quân Xiêm, như đập bể một chiếc bình trong trận “Rạch Ngầm - Xoài Mút”, điều binh thần tốc vượt Hoành Sơn đại phá 30 vạn quân Mãn Thanh, khiến đô đốc Tôn Sĩ Nghị “táng đởm, kinh hồn” chui ống đồng cùng bại quân tả tơi chạy trốn về Bắc, đánh đâu thắng đó, bất khả chiến bại… đó là những chiến tích tiêu biểu thể hiện tài năng quân sự của vua Quang Trung.
“Thần tốc, linh hoạt” - Bí pháp tổ chức chiến dịch
Không phải ai cũng biết, một trong những bí pháp của vua Quang Trung Nguyễn Huệ để phát huy hiệu quả bất ngờ, lợi dụng sơ hở của địch, khoét sâu vào chỗ yếu của chúng – là việc thực hành tiến công về ban đêm để tạo yếu tố bất ngờ.
Các trận chiến đấu chủ yếu thường được tiến hành vào nửa đêm và kết thúc trước khi trời sáng, dành thời gian ban ngày cho việc trú quân kín đáo và chuẩn bị đánh liên tục. Nếu như trước khi chiến dịch mở, thời gian dành cho chuẩn bị và tổ chức chiến dịch rất dài, thì trái lại, trong quá trình diễn biến của chiến dịch, thời gian chuẩn bị lại được rút ngắn hết sức. Điều đó chỉ có thể thực hiện trên cơ sở chuẩn bị chu đáo từ trước.
Bất ngờ, chắc thắng
Để tiến công nhanh mà ít bị tiêu hao, Nguyễn Huệ đã áp dụng nhiều kiểu cách khác nhau. Đối với các vị trí nhỏ, chủ yếu dùng tiền quân uy hiếp địch và tiêu diệt chúng, hoặc là chủ lực vượt qua, để lại một bộ phận nhỏ để tiêu diệt sau. Đối với những vị trí lớn, như Hà Hồi, dùng lực lượng quân sự mạnh bao vây rồi dùng tiến công binh vận để đánh chiếm.
Đối với các vị trí có lực lượng ngoan cố, thì nhanh chóng tập trung ưu thế để tiêu diệt. Còn đối với điểm then chốt của địch, thì việc chuẩn bị được tiến hành rất chu đáo, kiên quyết tập trung chủ lực để đánh phá mãnh liệt, giải quyết thật nhanh.
Nguyễn Huệ còn là người giỏi tổ chức, hành động chiến dịch chặt chẽ, ăn khớp. Trong chiến dịch Hà Hồi, Nguyễn Huệ sử dụng tất cả các quân, binh chủng đã được tổ chức trong quân đội Tây Sơn thời đó, căn cứ vào tính năng của từng quân chủng, binh chủng, căn cứ vào ý định chiến dịch, để trao cho từng quân chủng, binh chủng những nhiệm vụ thích hợp, dứt khoát, rõ ràng.
Lục quân giữ vai trò tiến công trên mặt chính, thuỷ quân được trao nhiệm vụ vụ hồi chiến dịch để đánh sau lưng và chặn đường rút lui của địch, tùy theo nhiệm vụ và điều kiện vận động, giúp tập trung sự nỗ lực của tướng lĩnh, quân đội, trên tất cả các hướng tiến công, nhằm giành thắng lợi chung.
Không phải ngẫu nhiên mà cùng một ngày mồng 5 Tết, ở hướng tiến công chủ yếu, Nguyễn Huệ hoàn thành đánh phá đồn phòng thủ then chốt: đô đốc Bảo tiến đến Đại áng cạnh sườn Ngọc Hồi, đô đốc Long thọc sâu vào Khương Thượng, đô đốc Lộc đã chiếm tuyến sông Cầu và các địa điểm xung yếu khác. Đây là một loạt hành động của tất cả các đạo quân, theo kế hoạch hiệp đồng thống nhất, xảy ra trong tình huống cơ bản có tính chất quyết định. Nguyễn Huệ đã tính toán đường hành quân, tốc độ hành quân, tốc độ tiến công cho từng quân, binh chủng cho từng hướng thật là tỉ mỉ, chu đáo, tập trung được tinh thần hiệp đồng tác chiến của các tướng lĩnh, binh sĩ, tinh thần nỗ lực cao độ để giành thắng lợi chung. Đây là những điều kiện quyết định để chiến dịch thành công rực rỡ.
Tiến công thần tốc
Một yếu tố quan trọng nữa đã góp phần quyết định thắng lợi của chiến dịch là tốc độ tiến công cao của quân đội Tây Sơn. Chỉ có tiến công với tốc độ cao và bảo đảm tốc độ cao đó trong suốt quá trình chiến dịch mới có thể giành thời cơ trước địch, phát huy nhân tố bất ngờ, đánh cho địch những đòn mãnh liệt, khiến chúng không kịp trở tay.
Góp phần vào huyền thoại tiến công thần tốc của nghĩa quân Tây Sơn, trước tiên phải kể đến phương tiện kỹ thuật, các khí tài chiến đấu.
Người lính bộ binh thời đó chỉ có thể dùng hai chân để vận động, nên tốc độ tiến công trước hết phụ thuộc vào sức khỏe và đôi chân của người lính bộ binh.
Voi có sức đột kích mạnh, nhưng hành quân chậm. Pháo binh dã chiến của quân đội Tây Sơn được đặt trên voi giúp cải thiện tốc độ hành quân. Trong khi kỵ binh, có thể xem là lực lượng có tốc độ nhanh nhất thời đó, nhưng nếu kỵ binh vượt lên trước, cách xa bộ binh, pháo binh thì sức tiến công bị hạn chế.
Để khắc phục điều đó, nâng cao tốc độ tiến công, nghệ thuật chỉ huy phải biết hiệp đồng chặt chẽ các quân, binh chủng, đồng thời biết sử dụng binh chủng nào là chủ yếu trong từng tình huống, giai đoạn nào của chiến dịch.
Nguyễn Huệ đã trao nhiệm vụ đó cho kỵ binh. Khi đánh phá các đồn kiên cố, thì nhiệm vụ được trao cho bộ binh, pháo binh, tượng binh. Vu hồi chiến dịch thì dùng thủy quân. Khi mở rộng chiến quả, vu hồi chiến thuật vào sườn hoặc sau lưng quân địch trong chiến đấu, thì thường dùng kỵ binh. Khi truy kích thì dùng kỵ binh. Tính linh hoạt cao trong việc chỉ huy của Nguyễn Huệ đã nâng cao tốc độ tiến công của quân đội.
Điểm thứ hai là năng lực áp đảo nhanh chóng sức chống cự của quân địch. Khi bị tiến công, địch sẽ tiến hành phản kích, làm giảm tốc độ tiến công.
Làm thế nào để đánh phá nhanh chóng, làm mất thời cơ phản kích của địch, làm thế nào đề nâng cao tốc độ tiến công theo với trình độ phát triển chiều sâu của thế trận chiến dịch của địch?
Nguyễn Huệ đã áp dụng hàng loạt biện pháp có hiệu quả: kiên quyết và kín đáo tập trung binh lực, binh khí trong các trận tiến công, phát huy yếu tố bất ngờ để đánh địch. Tiến công mặt chính bao giờ cũng kết hợp với bao vây vu hồi: Tính cơ động linh hoạt của quân đội Tây Sơn đã tạo điều kiện nhanh chóng khắc phục sự chống cự của địch. Cho nên, suốt trong năm ngày chiến đấu, Tôn Sĩ Nghị không thể tiến hành tăng viện có hiệu quả cho nơi bị uy hiếp, không thể tổ chức được một cuộc phản kích nào.
Đêm 30 Tết (tức ngày 25.1.1789), quân đội Tây Sơn vượt sông Gián Thủy và vượt qua gần 80km, chiều mồng 5 Tết đã vào đến Thăng Long. Từ Gián Khâu đến Phú Xuyên, quân Tây Sơn tập trung truy kích địch, với tốc độ cao, trung bình 15km/ngày. Từ Hà Hồi đến Thăng Long mới thực sự tác chiến quy mô lớn, với tốc độ hành quân trung bình 12km/ngày.
Tốc độ tiến công cao của quân đội Tây Sơn là một trong những nguyên nhân quyết định thắng lợi của chiến dịch. Quân đội của Nguyễn Huệ về số lượng ít so với quân Thanh, nhưng yếu tố tiến công thần tốc, bất ngờ, tài chỉ huy quân sự xuất chúng của Nguyễn Huệ đã góp phần làm nên thắng lợi.
“Đao sắc phải tuốt đúng lúc”
Trong các đạo quân của Nguyễn Huệ, đạo quân của đô đốc Bảo là đội dự bị chiến dịch nhưng lại là lực lượng cốt cán. Tuy quân số có hạn, nhưng đạo quân này có sức đột kích lớn và hỏa lực mạnh. Voi chiến, pháo dã chiến, cộng với hộ binh, kỵ binh hợp thành đội dự bị, là những phương tiện quan trọng để Nguyễn Huệ giành và giữ quyền chủ động trong quá trình tiến triển của chiến dịch.
Muốn sử dụng đội dự bị kịp thời, vào những thời cơ cần thiết, Nguyễn Huệ đã sử dụng chiến thuật “đao sắc phải tuốt đúng lúc”. Thành công của Nguyễn Huệ là biết sử dụng đội dự bị lớn mạnh đó vào thời cơ có ý nghĩa quyết định nhất của chiến dịch.
Tạo mọi điều kiện có lợi để sử dụng đội dự bị, tung ra đúng thời cơ, sử dụng binh chủng quyết định, đánh vào mục tiêu trọng yếu, đã là những bài học quan trọng về nghệ thuật quân sự của vị vua áo vải Quang Trung – Nguyễn Huệ.