Cảm ứng là khả năng của cơ thể tiếp nhận và phản ứng lại các kích thích của môi trường bên ngoài (cũng như bên trong cơ thể) đảm bảo cho cơ thể sinh vật tồn tại và phát triển.
Càng lên cao trên thang tiến hóa, cấu tạo cơ thể càng phân hóa, tổ chức thần kinh càng hoàn thiện, phản ứng của cơ thể ngày càng chính xác, bảo đảm cho cơ thể thích nghi cao với điều kiện môi trường. Vì vậy, mức độ tiến hóa của cảm ứng ở động vật phụ thuộc chặt chẽ vào mức độ tiến hóa của tổ chức thần kinh.
Ví dụ:
- Ở nhóm động vật chưa có tổ chức thần kinh (Động vật nguyên sinh): cơ thể phản ứng lại các kích thích bằng sự chuyển trạng thái co rút của chất nguyên sinh (nhờ các vi sợi), gọi là hướng động. Chúng chuyển động tới các kích thích có lợi (hướng động dương) và tránh xa các kích thích có hại (hướng động âm).
- Ở nhóm động vật có hệ thần kinh dạng lưới (Ruột khoang): Khi các tế bào cảm giác bị kích thích sẽ chuyển thành xung thần kinh truyền qua mạng lưới thần kinh đến các tế bào biểu mô cơ hoặc đến các tế bào gai làm cơ thể co lại để tránh kích thích hoặc phóng gai vào con mồi. Tuy phản ứng nhanh nhưng chưa thật chính xác và tốn nhiều năng lượng vì khi kích thích ở bất kì điểm nào cảu cơ thể cũng gây phản ứng toàn thân.
- Ở nhóm động vật có hệ thần kinh dạng chuỗi hạch (các ngành Giun): Cơ thể đã có phản ứng định khu nhưng vẫn chưa hoàn toàn chính xác, mỗi hạch thần kinh là một trung tâm điều khiển ở một vùng xác định của cơ thể nên tiết kiệm được năng lượng.
- Ở nhóm động vật có hệ thần kinh dạng ống (các động vật có xương sống): gồm có não, tủy sống, dây thần kinh và các hạch thần kinh, được hoạt động theo nguyên tắc phản xạ, gồm phản xạ không điều kiện và phản xạ có điều kiện. Cấu tạo của hệ thần kinh càng phức tạp thì số lượng phản xạ càng nhiều, phản xạ càng chính xác, bảo đảm cho sự thích nghi của cá thể và loài.