hi theo dõi liên tục vị trí trung tâm gió lốc (áp thấp) chuyển dời và ghi lại trên bản đồ, bạn sẽ phát hiện thấy: đường đi của trung tâm gió lốc tuy có dao động, nhưng cơ bản là đường parabôn và đường thẳng, nó chuyển dời trên Trái Đất một cách có quy luật.
Dự báo vị trí gió lốc của Đài khí tượng cơ bản là căn cứ vào quy luật chuyển động của gió lốc để công bố.
Có hai loại lực thúc đẩy sự chuyển động của gió lốc: một là nội lực, hai là ngoại lực.
Nội lực là lực của bản thân gió lốc sinh ra. Vì bản thân gió lốc là luồng khí quay tròn theo hướng ngược chiều kim đồng hồ, phương di động của mỗi điểm không khí phải chịu ảnh hưởng tự quay của Trái Đất mà sinh ra lệch hướng. Tác dụng lệch hướng này ở Bắc bán cầu có xu thế khiến cho chất điểm không khí lệch sang bên phải, còn vĩ độ càng cao thì độ lệch càng lớn. Điều đó khiến cho gió lốc ở Bắc bán cầu thổi sang phía tây có nhiều chất điểm không khí di động về hướng bắc, còn gió lốc ở Nam bán cầu thổi sang phía đông có nhiều chất điểm không khí chuyển động về phía nam. Như vậy khối lượng không khí gió lốc ở Nam bán cầu so với gió lốc ở Bắc bán cầu lớn hơn một ít, gió lốc sẽ có một phân lượng chuyển động theo hướng bắc. Phần này có thể quy về nội lực chủ yếu gây ra sự chuyển dời của gió lốc. Thứ hai là không khí ở trong khu vực gió lốc luôn bốc lên cao. Dưới tác dụng của lực quay xiên do Trái Đất tự quay gây nên, luồng không khí bốc lên sẽ có xu hướng chuyển động về phía tây, đó cũng là nội lực của gió lốc. Tác dụng chung của hai loại nội lực này khiến cho gió lốc có xu hướng chuyển động về phía bắc hơi lệch tây.
Ngoại lực là do chuyển động của không khí ở một phạm vi lớn chung quanh cơn lốc, đẩy nó đi. Giao thời giữa hè và thu, trên biển Thái Bình Dương thường có một cột khí áp cao độc lập (gọi là khí áp cao á nhiệt đới). Hướng gió chung quanh cột khí áp cao này ảnh hưởng rất rõ đến đường chuyển dời của gió lốc. Gió lốc phát sinh ở vùng biên phía nam trên cột khí áp cao Thái Bình Dương, ở đó có gió đông, do đó khiến cho gió lốc chạy dần về phía tây.
Hợp nội lực và ngoại lực, phương chuyển dời của gió lốc có một quy luật nhất định. Nhưng khi nó chuyển dời chịu ảnh hưởng rất lớn của cột khí áp cao á nhiệt đới trên Thái Bình Dương. Ban đầu gió lốc ở phía nam cột khí áp cao á nhiệt đới, nó thường chuyển dời theo hướng tây bắc, một khi đến được mép tây cột khí áp cao á nhiệt đới, nó sẽ tiến vào phía tây bắc của trung tâm khí áp cao nhiệt đới, lúc đó chịu ngoại lực tác dụng, khiến cho cơn lốc chuyển dời theo hướng đông và kết hợp với nội lực nó sẽ chuyển dời về hướng đông bắc. Vì cao áp của á nhiệt đới rất mạnh nên sự phát triển về phía tây bị co dần về phía đông cho nên đường chuyển dời của gió lốc cũng khác nhau. Nếu cột cao áp á nhiệt đới phát triển về phía tây và ngày càng mạnh thì đường đi của gió lốc sẽ lệch về phía nam, nếu cột áp cao á nhiệt đới nằm phía bắc gió lốc thì gió lốc sẽ hướng về phía tây hoặc chuyển hướng chỗ đứt đoạn và sau đó phát triển về phía đông bắc. Nói tóm lại đường đi của gió lốc luôn luôn có dạng parabôn.
Trong quá trình gió lốc chuyển dời, vừa đi, vừa chuyển hướng, hơn nữa khu vực gió lớn nhất của nó càng chuyển hướng càng mở rộng ra. Khi nó mới hình thành trên biển nhiệt đới đường kính khoảng 100 km sau đó mở rộng dần, khi đi đến gần 30 vĩ độ Bắc, đường kính to hơn ban đầu 10 lần, sau đó tiếp tục phát triển, sức mạnh dần dần giảm yếu, phạm vi gió thu nhỏ dần cho đến lúc tan hết.
Nói chung thì gió lốc chỉ lướt qua vùng biên Trung Quốc, sau đó hướng sang phía Nhật Bản, cho nên nó chỉ ảnh hưởng đến các tỉnh như Quảng Đông, Hải Nam, Quảng Tây, Đài Loan, Phúc Kiến, Chiết Giang, Giang Tô và Thượng Hải.
Vùng duyên hải Sơn Đông và bán đảo Liêu Đông có lúc cũng chịu ảnh hưởng một ít, nhưng rất ít ảnh hưởng đến các tỉnh sâu trong đất liền và các tỉnh phía bắc. Chỉ lúc nào phía tây cột cao áp á nhiệt đới trên Thái Bình Dương đổ bộ vào Giang Nam Trung Quốc thì gió lốc mới tiến vào vùng duyên hải đông nam và lục địa.