Khổ thơ cuối bài thơ Ông đồ đã chính thức thể hiện việc ông đồ hoàn toàn bị quên lãng, một nét đẹp văn hóa dân tộc bị mai một và biến mất. Hình ảnh "Năm nay đào vẫn nở/ Không thấy ông đồ xưa" đã thể hiện một thực cảnh xót xa đau lòng. Từ "vẫn" cho thấy một chu kỳ tuần hoàn lặp lại của thiên nhiên không có gì đổi khác. Điều khác duy nhất đó là ông đồ đã chẳng còn ngồi đó nữa rồi. Mùa xuân vẫn đến, người ta vẫn đi chơi hội nhưng lại chẳng thấy ông đồ ngày xưa nữa. Hình ảnh "những người muôn năm cũ" chính là hình ảnh ẩn dụ của những lớp người ngày xưa, lớp người từng một thời giữ gìn nét đẹp văn hóa dân tộc. Theo sự chuyển mình của thời thế, những người ấy cùng với nền Nho học dần dần đi vào quên lãng và như từng tồn tại. Ôi, nỗi buồn man mác và tình cảm của tác giả dành cho những người ấy thấm đẫm từng câu từng chữ trong bài thơ. Câu hỏi tu từ được đặt ở cuối bài thơ dường như không có câu trả lời của tác giả cho thấy sự đau đớn đến tột cùng của nhà thơ "Hồn ở đâu bây giờ?". Phải chăng hồn ở đây chính là chỉ hồn cốt của dân tộc, của giá tị tinh hoa một thời đã qua? Tóm lại, bài thơ đã thể hiện được nỗi lòng của nhà thơ Vũ Đình Liên về sự chuyển mình, về sự thay đổi đến xót xa của thời thế, đã đẩy một nét văn hóa dân tộc rơi vào quên lãng. Những tâm sự ấy của tác giả đã thể hiện bằng những vần thơ chan chứa cảm xúc dành cho những người thuộc thế hệ trước bị lãng quên.
*** câu hỏi tu từ và thán từ được in đậm.