I, Dàn ý tham khảo
A. Mở bài
- Giới thiệu tác giả: Huy Cận
+ Là một trong những nhà thơ tiêu biểu của nền thơ ca hiện đại Việt Nam.
+ Phong cách sáng tác: Trước cách mạng tháng Tám, ông viết nhiều về thiên nhiên, vũ trụ. Tất cả đều gợi nỗi buồn của một con người gắn bó với quê hương, đất nước nhưng cô đơn bất lực. Sau Cách mạng tháng Tám, những vần thơ của ông trở nên sôi động, huyên náo hơn.
- Giới thiệu tác phẩm: “Đoàn thuyền đánh cá“
+ Bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá“ viết năm 1958, trong thời gian ông đi thực tế ở Hòn Gai - Quảng Ninh, được in trong tập “Trời mỗi ngày mỗi sáng”.
- Giới thiệu khái quát về hai khổ cuối bài thơ.
B. Thân bài
1. Khổ thơ "Sao mờ...nắng hồng"
- Giữa không gian biển khơi, sau khi tìm đúng luồng cá, người dân chài thả lưới hát gọi cá vào, chờ đợi, còn công việc cuối cùng là kéo lưới:
"Sao mờ kéo lưới kịp trời sáng
Ta kéo xoăn tay chùm cá nặng"
- Câu thơ thứ ba mang màu sắc lãng mạn: "Vảy bạc đuôi vàng lóe rạng đông". Ta có thể hiểu câu thơ là những con cá tươi ngon có sắc màu óng ánh (vảy bạc đuôi vàng) đang bừng lên giữa rạng đông ngày mới.
- Cụm từ "đón nắng hồng" biểu tượng tâm trạng phấn chấn, phơi phới của những người dân chài sau khi kéo được những chùm cá nặng lên khoang thuyền. Họ như muốn chia sẻ niềm vui của mình với ánh bình minh rực rỡ.
2. Khổ thơ "Câu hát ... dặm phơi".
- Vẻ đẹp tráng lệ của bình minh trên biển được nhà thơ miêu tả sinh động qua biện pháp nhân hóa "mặt trời đội biển" gợi cảm giác thần thoại. Mặt trời có sức mạnh lớn lao, dường như nó đang đội biển mà lên và cái "màu biển" là màu hồng bình minh, là lời chào đón của thiên nhiên với những người lao động cần cù.
- Hình ảnh "mắt cá huy hoàng" vừa là thành quả lao động, vừa gợi ra niềm vui, niềm tự hào của những người lao động và cuộc sống mới đầy tốt đẹp đang mở ra trước mắt.
C. Kết bài
- Khẳng định giá trị của tác phẩm
- Tình cảm của em dành cho tác phẩm
II, Bài văn tham khảo
Huy Cận là một trong những nhà thơ tiêu biểu của nền thơ ca hiện đại Việt Nam. Bài thơ "Đoàn thuyền đánh cá" viết năm 1958, trong thời gian ông đi thực tế ở Hòn Gai - Quảng Ninh, được in trong tập "Trời mỗi ngày mỗi sáng". Bài thơ đã khắc họa nhiều hình ảnh đẹp tráng lệ, thể hiện sự hài hòa giữa thiên nhiên và con người lao động, bộc lộ niềm vui, niềm tự hào của nhà thơ trước đất nước và cuộc sống. Điều này được thể hiện rõ nét qua hai khổ thơ cuối của bài.
Bài thơ ra đời trong thời điểm miền Bắc nước ta đang trong giai đoạn đầu dựng chủ nghĩa xã hội. Xuyên suốt toàn bài thơ là âm hưởng khỏe khoắn, hào hùng, lạc quan thể hiện rõ dấu ấn của sự chuyển mình trong cảm hứng nghệ thuật của nhà thơ Huy Cận. Cũng vẫn là cảm hứng về thiên nhiên vũ trụ, nếu như trước cách mạng, thiên nhiên vũ trụ đi vào thơ ông thường gợi cảm giác về sự rợn ngợp trước cái mênh mông, vô cùng vô tận khiến con người trở nên nhỏ bé, cô độc thì ở bài này, thiên nhiên vũ trụ trở nên tươi sáng, khoáng đạt gần gũi với con người, mạnh mẽ và đầy tự tin trong tư thế của một vị chủ nhân của biển cả.
Giữa không gian biển khơi, sau khi tìm đúng luồng cá, người dân chài thả lưới hát gọi cá vào, chờ đợi, còn công việc cuối cùng là kéo lưới:
"Sao mờ kéo lưới kịp trời sáng
Ta kéo xoăn tay chùm cá nặng"
Câu thơ thứ ba mang màu sắc lãng mạn: "Vảy bạc đuôi vàng lóe rạng đông". Ta có thể hiểu câu thơ là những con cá tươi ngon có sắc màu óng ánh (vảy bạc đuôi vàng) đang bừng lên giữa rạng đông ngày mới. Từ "bạc, vàng" là những từ tượng trưng cho quý giá, giàu có, vừa tượng trưng cho sự giàu có vủa biển cả, đồng thời cũng cho thấy thái độ trân trọng, biết ơn của những ngư dân trước sự hào phóng, ưu ái của biển cả. Công việc đánh cá đã kết thúc bằng hành động "lưới xếp, buồm lên ", những con thuyền chẩn bị trở về. Cụm từ "đón nắng hồng" biểu tượng tâm trạng phấn chấn, phơi phới của những người dân chài sau khi kéo được những chùm cá nặng lên khoang thuyền. Họ như muốn chia sẻ niềm vui của mình với ánh bình minh rực rỡ.
Sau một đêm đánh cá vất vả đoàn thuyền lại trở về vào lúc bình minh:
"Câu hát căng buồm cùng gió khơi
Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời"
Câu thơ "câu hát căng buồm" với gió khơi, gần như nguyên vẹn câu thơ trong khổ đầu tiên. Đây là lần thứ ba tiếng hát vang lên. Tiếng hát biểu hiện cho niềm vui của những người đánh cá khi được hưởng thành quả rực rỡ sau một đêm lao động vất vả. Tiếng hát ấy vang lên hùng tráng khi đoàn thuyền đang rẽ sóng trở về. Nhà thơ nhân hóa "đoàn thuyền" đang "chạy đua cùng mặt trời, chạy đua cùng thời gian. Hai tiếng "chạy đua" cho ta thấy những người đan chài mặc dù suốt đêm làm việc không mệt mỏi nhưng sức lực của họ vẫn dồi dào, khí thế của họ vẫn mạnh mẽ. Huy Cận đã nâng cao người lên tầm vóc vũ trụ rộng lớn. Con người thật xứng đáng với tầm vóc chủ nhân biển cả, vẫn muốn giành thời gian để lao động, để cống hiến.
" Mặt trời đội biển nhô màu mới
Mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi".
Vẻ đẹp tráng lệ của bình minh trên biển được nhà thơ miêu tả sinh động qua biện pháp nhân hóa "mặt trời đội biển" gợi cảm giác thần thoại. Mặt trời có sức mạnh lớn lao, dường như nó đang đội biển mà lên và cái "màu biển" là màu hồng bình minh, là lời chào đón của thiên nhiên với những người lao động cần cù. Đặc biệt câu thơ cuối cùng gợi ra hình ảnh đoàn thuyền nối đuôi nhau trở về, chiếc nào trên khoang cũng đầy ắp cá. Ánh mặt trời chiếu vào mắt cá khiến cho mỗi mắt cá như một mặt trời nhỏ, lấp lánh. Hình ảnh "mắt cá huy hoàng" vừa là thành quả lao động, vừa gợi ra niềm vui, niềm tự hào của những người lao động và cuộc sống mới đầy tốt đẹp đang mở ra trước mắt. Đó là một hình ảnh đầy sáng tạo và lãng mạn.
Bài thơ có âm hưởng khỏe khoắn, hào hùng, sử dụng nhiều biện pháp tu từ đặc sắc. Bằng bút pháp lãng mạn và sức tưởng tượng phong phú, Huy Cận đã sáng tạo ra những hình ảnh đẹp bất ngờ, dào dạt chất thơ.
"Đoàn thuyền đánh cá" của Huy Cận thực sự là một bức tranh lao động hoành tráng, tràn ngập ánh sáng, sắc màu và sức sống mãnh liệt. Bài thơ là khúc ca ca ngợi biển cả giàu đẹp và ca ngợi những người dân chài trong công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa do đảng và Bác Hồ chỉ đường dẫn lối.