Qua hai câu thơ đầu của bài thơ, bà Huyện Thanh Quan đã tái hiện trước mắt người đọc cả không gian và thời gian của Đèo Ngang khi nhân vật trữ tình đặt chân đến địa danh này:
“Bước tới Đèo Ngang, bóng xế tà,
Cỏ cây chen đá, lá chen hoa.”
Nhà thơ đã chọn một khoảnh khắc mang tính nghệ thuật thường xuất hiện trong thơ để miêu tả phong cảnh Đèo Ngang. Đó là thời điểm ngày dần tàn, trời tắt nắng, cả thiên nhiên vạn vật xuất hiện trên cái nền của “bóng xế tà”. Rõ ràng đây là khoảng thời gian gợi lên trong lòng người nhiều suy ngẫm sau những mỏi mệt của một ngày dài.
Phải chăng, trải qua một hành trình rất dài từ Thăng Long vào Huế, khi “bước tới Đèo Ngang”, bản thân nhà thơ cũng chất chứa những nỗi niềm sâu kín nhưng chưa có cơ hội trải lòng. Đến khi ánh sáng bắt đầu tàn lụi để nhường chỗ cho bóng xế ban chiều cũng là lúc kịp đặt chân đến Đèo Ngang, có cơ hội hướng tầm mắt bao quát cảnh vật.
Những cảm xúc hoài vọng về quê hương, về nơi chôn nhau cắt rốn của nhà thơ lại dạt dào và hóa thành những dòng thơ. Không chỉ nhắc đến thời gian khi đặt chân đến Đèo Ngang mà tác giả còn gợi ra sự xuất hiện của thiên nhiên, cảnh vật trong không gian núi đèo. Đó là sự “chen” nhau của cỏ cây, đá núi, hoa lá.
Khi phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Qua đèo ngang, ta thấy trong câu thơ có tổng cộng bảy tiếng nhưng từ “chen” đã được điệp lại hai lần đã góp phần tạo nên một bức tranh thiên nhiên hoang vu nhưng rậm rạp. Sức sống của thiên nhiên nơi Đèo Ngang cũng vì thế mà hiện lên rất đỗi tự nhiên, mạnh mẽ.