Giống như Nguyễn Quang Sáng, Bảo Ninh, tác giả Nỗi buồn chiến tranh, tiểu thuyết được các nhà phê bình văn học Mỹ đánh giá là một trong những tiểu thuyết chiến tranh hay nhất mọi thời đại, và đã được dịch ra hơn 20 ngôn ngữ cũng không quên điều đó.
Những khổ đau giằng xé mãi "kéo lê" trong cuộc đời Kiên - người lính quân đội Việt Nam giải ngũ - cũng xảy ra như vậy trong cuộc đời những cựu binh Mỹ. Những cuộc chiến có tên gọi khác nhau, nhưng sự hủy diệt thân xác và tâm hồn con người đều giống nhau.
Nhà báo Erik Burns của tờ The NewYork Times từng viết "Dù được tô điểm thế nào, chiến tranh vẫn là địa ngục. Cảm xúc con người là giống nhau, dù ở phe thắng hay bại. Bảo Ninh đã tìm được chìa khóa chung đưa tác phẩm của ông đến trái tim độc giả".
Erik Burns trích dẫn một đoạn trong Nỗi buồn chiến tranh mô tả Phán vô tình phải chung hầm cùng một lính Việt Nam cộng hoà bị thương. Trong tình cảnh đó không còn hai kẻ thù mà là hai con người. Phán nhảy lên mặt đất đi tìm băng gạc chữa vết thương cho người kia. Khi quay lại, Phán không tìm được căn hầm cho người lính Ngụy bị thương nữa vì nước mưa đã lấp hết, vùi lấp luôn người thanh niên khốn khổ. Erik Burns tả tiếng gọi thảm thiết của Phán giữa màn mưaNgụy ơi, Ngụy ơi, mày ở đâu? là "cú đấm thắng vào mọi trái tim".
Ở một cách khác, những dòng chữ chứa đựng lý tưởng trong sáng và nồng nhiệt của bác sĩ Đặng Thùy Trâm - như cách nói của Giáo sư Phong Lê - đã hóa giải những điều ghê ghớm nhất để đi qua khói lửa chiến tranh để đi đến cái "tâm" của nhân loại. "Lửa" trong từng dòng chữ Đặng Thùy Trâm để lại đã lay động trái tim ở bên kia chiến tuyến khiến những con người cầm súng phải dành một vị trí để cất giữ nâng niu cuốn nhật ký nhiều năm trời.
"Những cuộc chiến qua đi, những trang lịch sử của từng dân tộc được sang trang, các chiến tuyến có thể được dựng lên hoặc san bằng. Nhưng những tác phẩm đi xuyên qua mọi thời đại, mọi nền văn hóa hay ngôn ngữ, cuối cùng vẫn nằm ở tính nhân bản của nó. Có thể màu sắc quốc kỳ, ngôn ngữ, hay màu da chúng ta khác nhau. Nhưng máu chúng ta đều có màu đỏ, nhịp tim đều giống nhau. Văn học - cuối cùng vẫn là viết về trái tim con người". Một nhà phê bình từng viết.