Đa phần nỗi sợ hãi của con người đều do vấn đề tâm lí mà ra. Sự lo lắng, căng thẳng, bối rối hay hốt hoảng đều là sản phẩm của những ý nghĩ tiêu cực và trạng thái rối loạn tâm lí. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở việc tìm ra căn nguyên của nỗi sợ hãi, chúng ta khó lòng loại bỏ nó hoàn toàn. Cũng giống như việc chữa bệnh vậy. Bác sĩ phát hiện ra một vết nhiễm trùng trên cơ thể bạn, ông ấy không thể chỉ dừng lại ở đó, mà sẽ tiếp tục điều trị cho đến khi vết thương lành hẳn. Phương pháp chữa trị truyền thống bằng cách trấn an “bạn chỉ tự tưởng tượng ra mà thôi” phủ nhận sự tồn tại của nỗi sợ hãi. Trong thực tế, nỗi sợ hãi là hoàn toàn có thật. Nó là kẻ thù số một của bất cứ ai trên con đường vươn tới thành công. Nó ngăn cản bạn nắm bắt các cơ hội, làm cho sức khoẻ của bạn suy giảm, sinh ra bệnh tật, lo lắng, giảm tuổi thọ. Nỗi sợ còn khiến bạn không dám mạnh dạn phát biểu ý kiến của bản thân.
Nỗi sợ hãi, hay cụ thể hơn là sự thiếu chắc chắn, thiếu tự tin, sự bất ổn về mặt tinh thần là một trong những nguyên nhân lí giải ngày nay chúng ta vẫn phải đối mặt với suy thoái kinh tế. Cũng do nỗi sợ hãi mà hàng triệu người không chạm tay đến thành công, không được tận hưởng một cuộc sống sung túc.
Thực tình mà nói, nỗi sợ hãi có sức mạnh ghê gớm. Bằng nhiều cách, nỗi sợ hãi ngăn cản con người ta đạt được những điều mà họ mong muốn trong cuộc sống.
Nỗi sợ hãi dù ở dạng này hay dạng khác dù nặng hay nhẹ đều thuộc về chứng bệnh tinh thần. Để chữa trị một chứng bệnh tinh thần, ta cần phải sử dụng những phác đồ cụ thể, được kiểm chứng kĩ càng, giống như cách chữa trị một căn bệnh thể chất.
(Trích Dám nghĩ lớn, Dvid J. Schwartz, Ph.D,
NXB Tổng hợp Hồ Chí Minh 2019, tr 65)
Thực hiện các yêu cầu sau:
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích?
Câu 2. Theo tác giả, căn nguyên của nỗi sợ hãi là do đâu?
Câu 3. Tại sao nỗi sợ hãi lại “là kẻ thù số một của bất cứ ai trên con đường vươn tới thành công"?
Câu 4. Anh/chị có đồng tình với nhận định của tác giả: “Nỗi sợ hãi dù ở dạng này hay dạng khác dù nặng hay nhẹ đều thuộc về chứng bệnh tinh thần.” không? Vì sao?